Nới visa để hút khách du lịch thị trường chi tiêu cao

(PLO)- Theo các chuyên gia du lịch, chính sách thị thực luôn là một công cụ sắc bén để các quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch, thu hút khách quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới, trong đó Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt về chính sách mở rộng thị thực (visa) để thu hút thị trường khách lớn, chi tiêu cao.

Nới visa để hút dòng khách châu Âu

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport); xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (6-12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao.

Khách du lịch quốc tế trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: THU TRINH
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: THU TRINH

Đồng thời, các bộ đề xuất thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12-36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt, thông tin hiện nay để xin visa điện tử cho khách quốc tế vẫn phải mất thời gian để truy cập trang web khai báo thông tin cá nhân và thời gian chờ đợi phê duyệt được cấp thị thực. Các yêu cầu khắt khe hoặc mất thời gian xin thị thực sẽ làm giảm sự sẵn lòng của khách du lịch đến thăm một quốc gia.

“Tuy nhiên, với chính sách visa mới này sẽ mở rộng cánh cửa chào đón du khách quốc tế đến Việt Nam. Đây thực sự là tin vui lớn cho doanh nghiệp trong những ngày đầu năm 2024” - bà Phương Anh nói.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, đặc biệt là thị trường quy mô lớn là cơ hội cho đẩy mạnh phát triển du lịch. Điều này không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp du lịch mà của toàn ngành du lịch thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, nhận xét đây là trận đánh lớn, duy nhất của ngành du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Thủ tướng đã có đôn đốc mở rộng chính sách visa, theo đó số lượng khách du lịch chi tiêu cao đến Việt Nam nhiều hơn. Thời gian lưu trú là điều quyết định, khi thời gian lưu trú dài khách sẽ chi tiêu nhiều hơn dịch vụ ăn uống, mua sắm, khách sạn...

Hiện nay, Việt Nam đang miễn visa cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn visa đơn phương. Trong khi đó, Malaysia và Singapore miễn visa cho công dân 162 nước, Philippines (157 nước), Nhật Bản (68 nước), Hàn Quốc (66 nước) và Thái Lan (64 nước).

“Khi nới rộng thời gian lưu trú sẽ tăng giá trị đóng góp GDP chính cho ngành du lịch. Qua đó, du lịch Việt phát triển theo tầm cao mới, khẳng định Việt Nam là một quốc gia đã phát triển về du lịch, chúng ta có thể mở visa song song cả Malaysia, Singapore và Thái Lan...” - ông Phương nói.

PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cũng cho hay du lịch Việt đang trên đà hướng đến dòng khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao. Hiện nay có rất nhiều du khách châu Âu du lịch 30-90 ngày trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) muốn vào Việt Nam mà không cần phải xin visa du lịch. Vì thế, việc mở rộng các quốc gia được miễn visa đơn phương sẽ giúp Việt Nam hút được khách thị trường lớn và chi tiêu cao.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết các nước khu vực Đông Nam Á đã có chính sách visa rất mở so với Việt Nam. “Sở Du lịch kỳ vọng chính sách visa sẽ cởi mở hơn trong thời gian tới nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực. Về mặt quản lý, Sở Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ VH-TT&DL để bộ kiến nghị với Chính phủ để mở hơn nữa về chính sách visa thu hút khách quốc tế chi tiêu cao đến Việt Nam và TP.HCM” - ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết thêm năm 2024, thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là thị trường quan trọng của TP.HCM. Ngoài việc quảng bá xúc tiến du lịch thì TP.HCM tập trung công tác phát triển sản phẩm phù hợp với các thị trường này như du lịch golf, du lịch ẩm thực… •

Chỉ thị 08 nêu bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Cơ chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới, trong quản lý, vận hành các khu, điểm du lịch.

Lượng khách du lịch quốc tế đến trong năm 2023 mới chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019; chi tiêu cho mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch khác còn thấp. Liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm