Nóng Nga-Ukraine chiều 1-7: Anh nói về lý do Nga rút khỏi đảo Rắn, Nga triệu tập Đại sứ Anh vì những bình luận công kích

(PLO)- London nói Nga rút khỏi đảo Rắn là do dễ tổn thương trước Ukraine, không phải thiện chí; Moscow triệu tập Đại sứ Anh vì những bình luận 'công kích' của London; ông Zelensky cảnh báo hậu quả khủng hoảng lương thực như “cơn sóng thần”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Anh: Nga rút khỏi đảo Rắn là do dễ tổn thương trước Ukraine, không phải thiện chí

Theo tờ Al Jazeera, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng việc Nga rút quân khỏi đảo Rắn là do họ dễ bị Ukraine tấn công và cô lập (Ukraine thường triển khai tên lửa chống hạm ngăn các tàu hải quân Nga tiếp tế cho các đơn vị đóng trên hòn đảo) chứ không phải là "cử chỉ thiện chí" mà Moscow tuyên bố.

“Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công các đơn vị đồn trú của Nga trong vài tuần qua bằng tên lửa và máy bay không người lái. Ngoài ra, lính Kiev đã sử dụng tên lửa chống hạm để đánh chặn các tàu hải quân Nga đang cố gắng tiếp tế cho các đơn vị Moscow trên hòn đảo” - Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Ngày 30-6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng của họ đã rút khỏi đảo Rắn, nơi mà Nga đã chiếm giữ vào ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow phát động hồi cuối tháng 2.

Khói bốc lên do giao tranh Nga - Ukraine trên đảo rắn ngày 6-5. Ảnh: PLANET LABS PBC
Khói bốc lên do giao tranh Nga - Ukraine trên đảo rắn ngày 6-5. Ảnh: PLANET LABS PBC

Nga triệu tập Đại sứ Anh vì những bình luận 'công kích' của London

Theo hãng tin Reuters, ngày 30-6, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Moscow - bà Deborah Bronnert để phản đối những tuyên bố mang tính công kích London, bao gồm bình luận khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bộ này nói rằng Nga phản đối quyết liệt "những tuyên bố thô lỗ của giới chức Anh liên quan đến lãnh đạo và người dân Nga".

Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã đưa cho bà Bronnert một bản ghi nhớ nhấn mạnh "những lời lẽ xúc phạm từ đại diện của các cơ quan chức năng Anh là không thể chấp nhận được”. “Trong xã hội lịch sự, người ta thường xin lỗi vì những phát biểu như vậy" - bản ghi nhớ có đoạn.

Bộ Ngoại giao Nga cũng đã nói với bà Bronnert rằng họ phản đối các tuyên bố của Anh có chứa "thông tin cố tình sai lệch, đặc biệt là các cáo buộc về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân".

Bộ Ngoại giao Anh chưa bình luận về thông tin trên.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin mắc "hội chứng người đàn ông nhỏ mọn". Ông còn nói phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova "giống như một diễn viên hài, tuần nào cũng đe dọa sẽ tấn công hạt nhân tất cả mọi người".

Ông Zelensky cảnh báo hậu quả khủng hoảng lương thực như “cơn sóng thần”

Ngày 1-7, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói nếu Biển Đen không được dỡ phong tỏa ngay lập tức, hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực sẽ như một cơn sóng thần ập đến tận nước Áo - một quốc gia nằm cách xa bờ biển, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

"Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra. Hãy nhìn xem cách mà một nước tạo ra cho nhiều nước khác một mối đe dọa vô cùng lớn, chẳng hạn như mối đe dọa về nạn đói diện rộng. Nga đã phong tỏa Biển Đen - đây không phải là điều khó nhận thấy. Hàng triệu người đang đứng trước nguy cơ rơi vào nạn đói, như người dân ở châu Phi, châu Á, và cả châu Âu” - ông nói.

“Nếu mối đe dọa về nạn đói này không được xóa bỏ, nếu Biển Đen không được dỡ phong tỏa ngay lập tức, thì hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực sẽ tương tự như một cơn sóng thần ập đến tận Áo, mặc dù Áo nằm cách xa bờ biển” - vị tổng thống nói thêm.

Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng châu Âu không nên phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, và cần đảm bảo rằng mùa đông năm sau không trở thành thảm họa.

Ông Zelensky: Điện của Ukraine có thể bù đắp cho EU một phần khí đốt của Nga

Tối 30-6, Tổng thống Zelensky lưu ý rằng việc xuất khẩu điện của Ukraine sang Liên minh châu Âu (EU) có thể bù đắp một phần lượng khí đốt của Nga mà người dân châu Âu tiêu thụ, theo Interfax.

"Một bước quan trọng trong quan hệ hợp tác của Ukraine với Liên minh châu Âu đã diễn ra. Ukraine đã khởi động một hoạt động xuất khẩu điện đáng kể sang lãnh thổ của EU. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Chúng tôi đang chuẩn bị tăng nguồn cung” - nhà lãnh đạo cho biết.

"Một phần đáng kể khí đốt của Nga mà người châu Âu tiêu thụ có thể được thay thế. Đó không chỉ là vấn đề về doanh thu xuất khẩu đối với chúng tôi, mà còn là vấn đề an ninh của toàn châu Âu" - ông nhấn mạnh.

Theo hãng tin AFP, lưới điện của Ukraine đã được kết nối với lưới điện châu Âu kể từ giữa tháng 3. Điều này giúp Kiev đảm bảo nguồn cung liên tục cho châu lục này bất chấp chiến sự vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen có bài đăng trên Twitter với nội dung rằng Ukraine “sẽ cung cấp thêm một nguồn điện cho EU và các khoản thu rất cần thiết cho Kiev”. “Vì vậy, đôi bên đều có lợi” - bà nói.

Nga và Pháp duy trì liên lạc ở cấp cao nhất, các mối quan hệ cấp thấp hơn đều bị đình chỉ

Trả lời phỏng vấn đài Rossiya-24 TV ngày 1-7, Đại sứ Nga tại Pháp Alexey Meshkov cho biết Moscow và Paris vẫn duy trì liên lạc ở cấp độ cao nhất, nhưng trên thực tế, tất cả các mối quan hệ khác giữa hai nước đã bị đình chỉ.

"Tôi có thể nói rằng tình hình không có lợi chút nào, chúng tôi thực tế đã đình chỉ mọi quan hệ với Pháp. Các cuộc tiếp xúc hiện chỉ duy trì ở cấp cao nhất” - ông nói.

Tuy vậy, nhà ngoại giao nói rằng ở cấp độ ngoại giao nhân dân, quan hệ giữa Nga và Pháp sau một "đợt leo thang tiêu cực vào mùa xuân đang dần trở lại bình thường", hãng thông tấn TASS đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm