Trước những chỉ trích liên tiếp về chiến dịch chống ma túy đẫm máu ở Philippines, vị tổng thống nổi tiếng bạo miệng Rodrigo Duterte ngày 22-8 vừa qua đã lớn tiếng cảnh báo sẵn sàng rút khỏi tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông cũng đồng thời lên án việc cảnh sát Mỹ lạm dụng vũ lực gây ra cái chết của nhiều người da màu.
Vì sao Duterte đùng đùng nổi giận?
Bộ Ngoại giao Mỹ và hai chuyên gia về nhân quyền của LHQ thời gian qua đã chỉ trích và kêu gọi ông Duterte cùng chính quyền Manila nhanh chóng chấm dứt chính sách giết nghi phạm và tội phạm ma túy không qua xét xử. Những chỉ trích cáo buộc chính sách của ông Duterte cho phép hành vi giết chóc bất hợp pháp. Mỹ và các chuyên gia của LHQ cũng đồng thời kêu gọi các lực lượng chấp pháp Philippines cần đảm bảo tuân thủ các ràng buộc về nhân quyền quốc tế. Cảnh sát Philippines cho biết có hơn 500 nghi phạm ma túy đã bị cảnh sát bắn chết trong vòng tám tuần qua, theo hãng tin AP.
Tuy nhiên, mới đây thông tin mới tiết lộ của lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines cho thấy số người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do ông Duterte phát động có thể lên đến gần 1.800 người, theo AFP. Ông Ronald Dela Rosa, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, cho biết đã có 712 đối tượng buôn bán và sử dụng chất ma túy bị bắn chết không qua xét xử trong các chiến dịch của cảnh sát. Tuy nhiên, còn đến 1.067 trường hợp thiệt mạng có liên quan đến yếu tố ma túy bên ngoài khuôn khổ các chiến dịch chính thức của cảnh sát. Số lượng người thiệt mạng được tính từ ngày 1-7 đến nay. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ Agnes Callamard nhận định các quan chức của Philippines có thể bị buộc chịu trách nhiệm quốc tế vì các hành động của mình. Báo cáo viên LHQ cho rằng: “Tuyên bố chiến đấu chống lại buôn bán ma túy không đặt quốc gia lên trên các ràng buộc của luật pháp quốc tế. Tuyên bố này cũng không cho phép thành viên quốc gia đó giết chóc một cách bất hợp pháp mà không cần chịu trách nhiệm”.
Chính những tuyên bố này đã khiến ông Duterte đùng đùng nổi giận, cho rằng các lực lượng nước ngoài đang cố tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines. Ông đã tổ chức cuộc họp báo bất thường giữa khuya 20-8, kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. Phát biểu trước các phóng viên tại tỉnh Davao, ông Duterte đã gọi LHQ là “đồ con hoang” và ngu ngốc. Ông cũng tuyên bố Philippines sẵn sàng tách khỏi tổ chức quốc tế này và có thể kêu gọi Trung Quốc cùng các quốc gia châu Phi mở ra một tổ chức quốc tế khác. Ông Duterte cũng chỉ trích các quan chức LHQ đang đe dọa bỏ tù ông. Ông khẳng định sẵn sàng hy sinh mạng sống và vị trí tổng thống của mình để cứu đất nước khỏi đại dịch ma túy.
Cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte có thể đã khiến gần 1.800 người thiệt mạng. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phải lên tiếng xoa dịu dư luận sau khi Tổng thống Duterte đòi rút khỏi LHQ. Ảnh: AP
Muốn là đi được ngay?
Trong bài phát biểu bạo miệng của mình, ông Duterte cảnh báo Philippines sẵn sàng rời khỏi LHQ một khi các khoản đóng góp của nước này được hoàn lại. “Với số tiền đó, tôi có thể xây dựng rất nhiều trung tâm cai nghiện” - nhà lãnh đạo Philippines cho biết. Tờ Philstar cho biết mỗi thành viên của LHQ có nghĩa vụ phải đóng góp chia sẻ chi phí để gìn giữ hòa bình, theo Điều 17 của Hiến chương LHQ. Theo tờ Philstar, tổng số tiền Philippines đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2013 đến 2015 chỉ chiếm vỏn vẹn 0,03% tổng chi phí mà tổ chức quốc tế này chi ra cho các chiến dịch. Ngân sách của LHQ dành cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình chỉ riêng trong năm tài khóa từ tháng 6-2015 đến 6-2016 đã lên đến 8,27 tỉ USD.
Tuy nhiên, việc rút khỏi LHQ không đơn giản chỉ cần rút tiền rồi tuyên bố “dứt bước ra đi”. Sự nhập nhằng nằm ở chỗ LHQ không có quy định rõ ràng cho trường hợp một quốc gia muốn rút ra khỏi tổ chức này. Mọi quốc gia yêu hòa bình đều được chào đón gia nhập LHQ nếu như họ chấp nhận các quy tắc được đề ra trong Hiến chương của tổ chức. Đại Hội đồng LHQ sau đó sẽ quyết định chấp nhận các ứng cử viên được đề xuất bởi Hội đồng Bảo an (HĐBA). Quy trình này được đề ra trong Điều 4 thuộc Chương 2 của Hiến chương, quy định về tư cách thành viên. LHQ cũng có điều khoản bổ sung về việc khai trừ thành viên khỏi tổ chức. Quyết định này sẽ chỉ được đưa ra khi quốc gia liên tiếp vi phạm các điều khoản trong Hiến chương và bị HĐBA đề xuất khai trừ. Mặt khác, không có nội dung nào quy định về cách thức một quốc gia xin phép rút khỏi LHQ, theo Philstar.
Ngay từ các đề xuất đầu tiên về việc thành lập LHQ, được đưa ra tại hội nghị Dumbarton Oaks, thủ đô Washington, D.C., các nội dung về quy trình rút khỏi LHQ đã bị loại bỏ. Sự vắng bóng của các điều khoản này được đánh giá là cách thức khắc phục điểm yếu của tổ chức Hội Quốc Liên, thành lập sau Thế chiến thứ nhất và đã thất bại trong việc ngăn ngừa Thế chiến thứ hai nổ ra. Đế quốc Nhật Bản và phát xít Đức đã tuyên bố rút khỏi tổ chức này vào năm 1933. Sau đó năm năm, Ý cũng nối bước rời khỏi Hội Quốc Liên. Cuộc chiến thảm khốc nhất lịch sử nhân loại sau đó đã nổ ra. Những nhà sáng lập ra LHQ đã quyết định không đưa điều khoản rút khỏi tổ chức vào Hiến chương nhằm ngăn cản các nước thành viên trốn tránh nghĩa vụ hòa bình quốc tế.
Cấp dưới cuống cuồng đỡ lời
Rõ ràng việc rút khỏi LHQ không thể là một quyết định có thể đưa ra một cách hấp tấp và thiếu bình tĩnh như cách mà ông Duterte đã làm. Liên tiếp các quan chức Philippines, gần đây nhất là đích thân ngoại trưởng Philippines, đã lên tiếng xoa dịu dư luận quốc tế. Điều này càng chứng tỏ đây là một tình huống vạ miệng vì giận quá mất khôn của ông Duterte.
Ngày 22-8, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã khẳng định Philippines sẽ tiếp tục làm một quốc gia thành viên của LHQ. Ông cũng mô tả các phát biểu của nhà lãnh đạo nước này là do “quá thất vọng và tức giận” trước các chỉ trích của quốc tế. “Chúng tôi vẫn cam kết tham gia LHQ, mặc dù chúng rôi có rất nhiều thất vọng và giận dữ đối với tổ chức quốc tế này” - ông Yasay cho biết tại một buổi họp báo. Ngoại trưởng Philippines cũng “nói lại cho rõ”, khẳng định nhà lãnh đạo nước này chưa từng đe dọa rời khỏi LHQ. Ông Duterte chỉ đơn thuần đang bày tỏ sự thất vọng của mình về các nhận định của những báo cáo viên đặc biệt từ LHQ. “Ngài tổng thống khi đó rất mệt mỏi, thất vọng và kiệt sức vì đói. Chúng ta cần phải thông cảm cho ngài ấy. Ông cũng là người thôi mà” - Ngoại trưởng Philippines phân trần với báo giới.
Các quan chức của phủ tổng thống cũng tìm cách đỡ lời cho phát biểu của nhà lãnh đạo. Phát ngôn viên Tổng thống, ông Ernesto Abella, cho biết lời nói ông Duterte ý chỉ đề cập đến quyền tự quyết trong các vấn đề nội bộ của Philippines. “Ông chỉ đang muốn nói đến chủ quyền quốc gia và lập trường không chấp nhận hành động can thiệp của nước ngoài” - Abella khẳng định.
Song song với các tuyên bố mang tính xoa dịu dư luận này, Ngoại trưởng Yasay cũng khẳng định chính quyền Manila cam kết tôn trọng vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy. Ông cũng tiết lộ Tổng thống Duterte đã ra lệnh yêu cầu cảnh sát tiến hành điều tra và kiện tụng đúng quy trình đối với các nghi phạm. Tuy nhiên, ông Yasay cũng chỉ trích các báo cáo viên LHQ đã “hấp tấp kết luận sơ bộ rằng chúng tôi đã vi phạm nhân quyền”. “Việc họ đưa ra các cáo buộc chỉ dựa trên những nguồn thông tin không nêu rõ tên tuổi và không có xác minh là một hành động vô trách nhiệm” - ông Yasay cho biết.
Từ khi LHQ được thành lập đến nay, chỉ mới Indonesia tìm cách rút khỏi tổ chức này. Việc Malaysia được đề xuất một ghế thành viên không thường trực trong HĐBA vào năm 1965 đã khiến đất nước vạn đảo vô cùng tức giận. Indonesia đã thảo một công hàm gửi tổng thư ký LHQ và tuyên bố tự hủy bỏ tư cách thành viên. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, chính quyền Jakarta đã tuyên bố ý định quay lại LHQ. Tổ chức quốc tế không xem hành động trước đó của Indonesia là quyết định rút tư cách thành viên. Indonesia cũng được tiếp tục tham gia LHQ mà không cần nộp đơn xin gia nhập lần hai. Tuy nhiên, Công ước Vienna về Luật Điều ước cũng đưa ra một phương cách để các quốc gia tự hủy tư cách thành viên của mình trong các điều ước quốc tế. Theo Điều 62 của công ước này, một quốc gia thành viên có thể rút khỏi một điều ước quốc tế nếu xảy ra một “sự thay đổi về cơ bản các yếu tố hoàn cảnh” mà nước đó không nhìn thấy trước vào thời điểm tham gia điều ước. Việc rút khỏi điều ước phải được báo trước không dưới ba tháng, trừ trường hợp đặc biệt khẩn cấp, tờ Philstar cho biết. |