Thổ Nhĩ Kỳ có thể xuất hiện trên đường phố Tripoli (Lybia) nếu chính phủ nước này yêu cầu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ngày 10-12, Sputnik đưa tin.
Câu nói của ông Erdogan liên quan đến một thỏa thuận thăm dò khai thác dầu khí trên Địa Trung Hải mà hai nước vừa ký. Phát biểu trước sinh viên ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Erdogan cho rằng thỏa thuận này có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đưa quân đến Tripoli nếu được yêu cầu.
“Nếu Libya yêu cầu, chúng tôi sẽ gửi một số lượng đáng kể quân sang. Sau buổi ký thỏa thuận an ninh thì không còn cản trở gì nữa” - ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói có thể đưa quân đến Tripoli (Lybia). Ảnh: SPUTNIK
Với phát ngôn có thể đưa quân sang Tripoli, ông Erdogan cho thấy mình đã đứng về phía chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát Tripoli và miền Tây Libya - được Liên Hiệp Quốc cũng như Mỹ, Anh, EU thừa nhận và ủng hộ.
Không chỉ thế, ngày 10-12, ông Erdogan còn có phát ngôn chỉ trích Tướng Khalifar Hafta lãnh đạo lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) kiểm soát TP Benghazi và miền Đông Libya. Đồng minh của tướng Haftar là các đối thủ khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và quan trọng nữa là Nga.
Theo lời ông Erdogan thì tướng Haftar không có sự thừa nhận của quốc tế, không như “ông Sarraf (thủ tướng chính phủ GNA ở Tripoli) được thừa nhận và là người chúng tôi xem là người đối thoại với mình”.
Việc ông Erdogan tỏ rõ ủng hộ chính phủ GNA ở Tripoli sẽ khiến Nga và các đồng minh của tướng Haftar tức giận.
Theo Sputnik, rồi đây các ngoại trưởng EU sẽ họp để xem xét liệu phát ngôn của ông Erdogan có nghiêm túc hay không, cũng như bàn hướng đi nếu ông Erdogan thực sự tính can thiệp vào Libya. Mỹ và Nga cũng sẽ không ngồi yên.
Một nguy cơ nữa, theo Sputnik, nếu ông Erdogan thực sự đưa quân đến Tripoli khả năng lớn sẽ có một cuộc chiến khu vực. Ranh giới biển mà chính phủ ông Erdogan và Libya xác định trên Địa Trung Hải chồng lấn lên vùng biển mà Hy Lạp và đảo quốc Cyprus tuyên bố chủ quyền.
Bờ biển Địa Trung Hải ở Tripoli (Lybia). Ảnh: REUTERS
Ngày 10-12, chính phủ Hy Lạp đã gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã vi phạm luật pháp quốc tế khi thỏa thuận khai thác hàng hải trên vùng biển chồng lấn tuyên bố chủ quyền của mình. Tuần trước Ai Cập đã trục xuất Đại sứ Libya để phản đối việc này.
Tuy nhiên, sự chồng lấn này không ngăn cản được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác dầu khí với Libya tuần trước. Việc ông Erdogan lờ đi sự nhạy cảm trong việc hợp tác thăm do khai thác nguồn lợi hàng hải với Libya ở biển Aegean trên Địa Trung Hải sẽ gây khó khăn cho Liên minh châu Âu (EU). Việc này đưa EU vào thế khó xử và có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí từ đông Địa Trung Hải đến châu Âu.