Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-4 nói rằng chính sách của đương kim Tổng thống Poroshenko hoàn toàn thất bại và điều này đã thể hiện rõ qua việc ông Poroshenko thua trong cuộc bầu cử ở Ukraine vừa qua.
Theo báo The Moscow Times, ông Poroshenko giành được 24% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 21-4, trong khi đó ông Volodymyr Zelenskiy, một diễn viên hài và là người không có nền tảng chính trị, lại giành chiến thắng áp đảo với 73% số phiếu ủng hộ.
“Đây là một thất bại hoàn toàn và tuyệt đối trong chính sách của ông Poroshenko”, Tổng thống Putin nói tại một buổi họp báo ở TP cảng Vladivostok hôm 25-4 sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Nga thêm rằng nhà lãnh đạo mới của Ukraine cần hiểu rõ điều này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự tiệc tối ngày 25-4. Ảnh: The Moscow Times
Theo hãng tin AFP, cũng tại buổi họp báo, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng khôi phục quan hệ toàn diện với Kiev, sau khi ông Volodymyr Zelenskiy, một người mới bước vào lĩnh vực chính trị, đắc cử Tổng thống Ukraine.
Tổng thống Putin nêu rõ: "Chúng tôi muốn và sẵn sàng khôi phục quan hệ đầy đủ với Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thể đơn phương thực hiện điều đó".
Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định Moscow sẽ hợp tác với tân Tổng thống Ukraine nếu ông Zelenskiy thực thi một hiệp ước hòa bình quốc tế về Đông Ukraine.
Ông Putin nói rằng, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ phụ thuộc vào chính sách mà đội ngũ ông Zelenskiy theo đuổi.
Ngay sau khi ông Zelenskiy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Điện Kremlin cho biết còn quá sớm để Tổng thống Putin chúc mừng ông Zelenskiy và cũng như chưa thể bàn tính khả năng hai nhà lãnh đạo làm việc cùng nhau.
Tổng thống Putin đã đặt ra thách thức mới cho vị tổng thống đắc cử của Ukraine khi hôm 24-4 bằng việc ký sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu cho công dân miền đông Ukraine.
Theo đó, những người dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, tại khu vực Donbass, miền đông Ukraine giờ đây sẽ có thể nhận được hộ chiếu Nga trong vòng ba tháng kể từ khi nộp đơn xin thị thực.
Tổng thống Ukraine đương nhiệm Petro Poroshenko (trái) và ông Volodymyr Zelenskiy, người vừa đánh bại ông Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine hôm 21-4. Ảnh: REUTERS
Hãng tin TASS cho biết, liên quan tới một sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu Nga cho cư dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định không có điều gì sai trái và quyết định này không khác với những gì mà một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang làm.
Ông lấy ví dụ như Ba Lan, Romania và Hungary cũng đã cấp hộ chiếu cho công dân của mình ở nước ngoài. Do đó, ông cho rằng đây là thực tế bình thường và lấy làm ngạc nhiên khi Kiev lại phản đối mạnh mẽ quyết định này của Nga.
Kiev ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Nga khi cho rằng đây là hành động can thiệp công việc nội bộ của Ukraine. Tổng thống đắc cử Ukraine Zelenskiy đã hối thúc có thêm các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga sau động thái của Moscow.
Trong khi đó, Đức và Pháp cũng bày tỏ phản đối quyết định trên của Nga, cho rằng động thái này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Về phần mình, Tổng thống Putin tuyên bố không thể chấp nhận việc cư dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk không có bất kỳ quyền lợi gì, song khẳng định Moscow không muốn "kiếm chuyện" với ban lãnh đạo mới của Ukraine.
Lý do nào ông Poroshenko thất bại cay đắng?
Ông Petro Poroshenko đã thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine với khoảng cách lớn hơn bất kỳ ứng cử viên nào trong lịch sử đất nước, trong khi đối thủ của ông, một danh hài không có kinh nghiệm chính trị, lại nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử Ukraine.
Vậy tại sao sau năm năm cầm quyền và được phương Tây ủng hộ về chính trị và tài chính, người dân Ukraine lại quay lưng với ông Poroshenko như vậy? Theo tạp chí The National Interest, câu trả lời chính là vì những chính sách chống Nga mà ông và quốc hội Ukraine đã theo đuổi trong năm năm qua, gồm cấm sử dụng tiếng Nga, cấm đi lại sang Nga, cấm giao thương với Nga, cấm liên lạc xã hội với người Nga.
Tổng thống Ukraine đương nhiệm Petro Poroshenko. Ảnh: National Interest
Việc người dân Ukraine tỏ ra bất bình với những chính sách này là hoàn toàn có thể đoán trước được, bởi những người sống ở các TP Ukraine thường xuyên nói tiếng Nga hơn là tiếng Ukraine, và một nửa người dân đất nước có người thân đang sinh sống ở Nga.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi một cuộc khảo sát vào đầu năm nay cho thấy tỷ lệ người dân Ukraine đồng cảm với Nga cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 5-2014.
Trong bối cảnh đó, ông Poroshenko lại tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa dân tộc của mình qua việc tước bỏ quyền sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Ukraine ở nhiều khu vực trong nước, chấm dứt việc dạy tiếng Nga trong trường học sau lớp Năm, thậm chí còn giải tán Nhà thờ Chính thống giáo Ukraine và thay bằng một nhà thờ mới trung thành với chính phủ hơn. Kết quả là sự thù ghét của người dân ở những vùng nói tiếng Nga ngày càng tăng, và nó thể hiện ngay trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Dĩ nhiên, sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraine, những cắt giảm ngân sách đối với dịch vụ công, và giá khí đốt tăng gấp 9 lần trong vòng 5 năm khiến ông Poroshenko mất đi sự tín nhiệm, song đây không phải là những yếu tố mang tính quyết định.
Như vậy, phương Tây đã học được gì từ thất bại cay đắng của ông Poroshenko? Thứ nhất, sự đồng cảm của người dân Ukraine đối với Nga sẽ chưa thể biến mất trong nay mai. Nếu xung đột miền Đông Ukraine chấm dứt và các hoạt động giao thương, quan hệ chính trị được khôi phục vào lúc này, chắc chắn sự đồng cảm với Nga của người Ukraine sẽ càng tăng thêm.
Thứ hai, chiến lược ủng hộ một phe ở Ukraine của phương Tây nhằm thay đổi đường hướng chính trị của đất nước này không mang lại hiệu quả nào đáng kể, giống như những gì họ đã và đang làm ở Syria, Iraq hay Afghanistan.
Đối với trường hợp của Ukraine, phương Tây ngay từ đầu đã không có cơ sở để nắm chắc phần thắng. Do Nga là nước láng giềng với Ukraine, hai nước cũng có chung một ngôn ngữ và có chung nền văn hóa, Nga có thể khẳng định quyền lực mềm của mình với Ukraine hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Về phần ông Zelenskiy, cần phải nói rõ rằng ông không phải là “con rối” của ông Putin. Sức hấp dẫn của ông ở chỗ ông không theo đuổi quan điểm chính trị dân tộc của ông Poroshenko. Chính điều này khiến ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng đây cũng là điểm yếu đáng lo ngại.
Trong suốt phần còn lại của năm 2019, ông Zelenskiy sẽ phải làm việc với một quốc hội Ukraine có thành phần gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc đã có ghế từ sau phong trào Maidan năm 2014.