Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 74 đã bắt đầu ở New York (Mỹ) từ ngày 17-9. Phiên họp tranh luận chung có sự tham gia của các lãnh đạo thế giới bắt đầu từ ngày 24 đến 30-9.
Kỳ họp Đại hội đồng LHQ năm nay rất được quan tâm vì diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động: Thương chiến Mỹ-Trung, khủng hoảng chính trị Venezuela, căng thẳng Mỹ-Iran… và mới nhất là khủng hoảng Trung Đông liên quan đến việc hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công mà Mỹ cho rằng Iran là thủ phạm.
Theo thông tin của hãng Sputnik, các trọng tâm chính được bàn đến trong kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần này sẽ là diễn biến khủng hoảng Trung Đông mới nhất liên quan đến Iran, phi hạt nhân hóa, phát triển toàn cầu, biến đổi khí hậu...
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 23-9. Ảnh: REUTERS
Từ ngày 24-9 (giờ Mỹ), các lãnh đạo thế giới bắt đầu phát biểu về các vấn đề, các mối quan tâm toàn cầu.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là lãnh đạo đầu tiên phát biểu sáng 24-9, tiếp theo là Tổng thống nước chủ nhà Mỹ Donald Trump. Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansour Hadi cũng sẽ có bài phát biểu tại kỳ họp này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp về khí hậu ngày 23-9 trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Ảnh: CNN
Tổng thống Iran Rouhani ngày 22-9 cho biết sẽ trình bày trước kỳ họp Đại hội đồng LHQ một kế hoạch đảm bảo hòa bình và an ninh lưu thông tàu qua eo biển Hormuz - nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman và Ấn Độ Dương, và các nước trong khu vực có thể tham gia vào.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ không gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ năm nay. Ảnh: CNN
Tổng thống Yemen Hadi sẽ phát biểu về cuộc xung đột vũ trang đã kéo dài ở nước này từ năm 2015. LHQ gọi xung đột ở Yemen là thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới. Ước tính đã có khoảng 100.000 người thiệt mạng trong năm năm qua và có khoảng 24 triệu người - gần 80% dân số Yemen đang cần cứu trợ và bảo vệ.
Tướng Fayez Sarraj - lãnh đạo lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (GNA) sẽ có bài phát biểu vào ngày 25-9. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Al Mekdad sẽ phát biểu vào ngày 28-9 về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria.
Các đại diện của Saudi Arabia, Afghanistan, Triều Tiên… sẽ phát biểu vào ngày cuối cùng của kỳ họp, 30-9. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho không tham dự kỳ họp và đại diện nước này là Đại sứ tại LHQ Kim Song.
Điểm đáng chú ý là kỳ họp năm nay không có mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Đại diện Nga tại kỳ họp này là Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Ông Lavrov sẽ có bài phát biểu vào ngày 27-9. Theo Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia, các ưu tiên của Nga là thúc đẩy đa phương, kiểm soát vũ khí và an ninh mạng. Đại diện Venezuela tham dự kỳ họp này là Phó Tổng thống Delcy Rodriguez và Ngoại trưởng Jorge Arreaza. Hai nhân vật này sẽ có bài phát biểu vào ngày 26-9 và nội dung sẽ là chuyện Mỹ trừng phạt Venezuela.
Sẽ có nhiều cuộc gặp đa phương và song phương diễn ra tại kỳ họp này với nhiều chủ đề từ bàn về các vấn đề vũ khí hạt nhân cho tới ngăn chặn chạy đua vũ trang trên không gian.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN
Ngày 25-9, ông Trump sẽ gặp các lãnh đạo châu Mỹ bàn về Venezuela. Phần lớn các nước tây bán cầu không công nhận ông Maduro là tổng thống Venezuela. Ông Trump cũng sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bàn về thỏa thuận hòa bình Minsk.
Các đại diện Pháp, Đức, Anh có kế hoạch sẽ gặp nhau để bàn về khả năng tái thương lượng thỏa thuận hạt nhân Iran.