Từ ngày 22-6, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có lãnh đạo mới. Theo thông báo của Tổng thống Donald Trump ngày 18-6 thì quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã rút đề cử cho vị trí bộ trưởng quốc phòng. Người được ông Trump chọn thay ông Shanahan, trở thành nhân vật thứ ba lãnh đạo Lầu Năm Góc kể từ khi chính quyền ông Trump hình thành là Bộ trưởng Lục quân Mark Esper.
Chân dung “tài năng lớn”
Ông Esper hiện 56 tuổi, làm bộ trưởng Lục quân (West Point) từ năm 2017. Ông Esper có nền tảng học vấn rất tốt, tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ năm 1986 - cùng lớp với Ngoại trưởng Mike Pompeo, có bằng thạc sĩ ĐH Harvard và bằng tiến sĩ về chính sách công ĐH George Washington. Chính ông Trump cũng đánh giá ông Esper là “một quý ông đáng được tôn trọng với một sự nghiệp tuyệt vời - West Point, Harvard, một tài năng lớn”.
Trước khi tham gia chính phủ, ông Esper có bảy năm làm trưởng đoàn vận động hành lang cho nhà thầu quốc phòng Raytheon. Thời gian ông Esper được đề cử lãnh đạo lục quân, đã có nhiều ý kiến lo ngại vì ông có quan hệ chặt với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng. Trong gần hai năm làm bộ trưởng lục quân, ông Esper đã ký duyệt nhiều quyết định mua sắm quốc phòng có giá trị lớn. Ông còn thành lập Bộ chỉ huy Tương lai lục quân nhằm hỗ trợ, nỗ lực nghiên cứu và phát triển quân chủng lục quân, cũng như để tương tác với các công ty quốc phòng.
Trước mắt, nhiều nghị sĩ Cộng hòa cấp cao đã hoan nghênh việc đề cử ông Esper. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, ông Esper cũng có thể gặp rắc rối trong quá trình xác nhận đề cử với chuyện ông có bảy năm làm trưởng đoàn vận động hành lang của Raytheon, tương tự điều đã xảy ra với ông Shanahan. Ngoài chuyện gia đình, một vấn đề nữa làm phức tạp quá trình xác nhận đề cử của ông Shanahan là 30 năm làm việc ở hãng Boeing.
Bộ trưởng Lục quân thứ 23 của Mỹ - ông Mark Esper (trái) vừa được đề cử vào vị trí quyền bộ trưởng quốc phòng. Ảnh: AP
Ghế lãnh đạo Bộ Quốc phòng nóng đến mức nào?
Ông Esper sẽ nhận trách nhiệm lãnh đạo hệ thống quân đội thuộc hàng lớn nhất thế giới, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nóng: Các căng thẳng với Iran, Nga, Trung Quốc (TQ), CHDCND Triều Tiên; cuộc chiến ở Afghanistan; việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga…
Điểm nóng mà Mỹ đang có mắc mứu nguy hiểm nhất có thể nói là Iran và Trung Đông. Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang nguy hiểm sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và khôi phục trừng phạt Iran, đặc biệt siết hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tehran phản pháo lại bằng cách đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu huyết mạch, cảnh cáo sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân. Đáp lại từ tháng 5 đến nay, Mỹ đã quyết định gửi 2.500 quân đến Trung Đông, bên cạnh đó còn đưa nhiều khí tài quân sự như đội máy bay tấn công USS Abraham Lincoln, một số máy bay ném bom B-52 đến gần Iran.
Chuẩn bị thăm Trung Đông, ông Pompeo ngày 18-6 vẫn khẳng định Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng rủi ro chiến tranh vẫn hiện hữu và nằm ở cả hai phía. Nếu một phía leo thang quá đà có thể sẽ buộc phía kia có quyết định sai lầm dẫn tới chiến tranh.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ với Nga đang ở mức xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh và càng nguy hiểm hơn khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ngày 18-6, Hạ viện Nga thông qua dự luật ngưng thực hiện INF và nhiều khả năng dự luật sẽ được Thượng viện Nga thông qua ngày 26-6 tới. Diễn biến này khiến giới quan sát lo ngại hai bên sẽ lại triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu, dẫn tới nguy cơ xung đột. Trong ngày 18-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Nga sẵn sàng đối đầu nếu Mỹ tấn công nhưng sẽ kiềm chế triển khai tên lửa trước và chỉ làm điều này một khi Mỹ triển khai trước.
Một vấn đề nóng khác, quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thời điểm này đang hết sức nhạy cảm, sau khi ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thể ra tuyên bố chung tại cuộc gặp thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2. Đối thoại hạt nhân cũng theo đó mà bị ngưng trệ đến giờ. Hai ông Trump, Kim vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục gặp nhau và khôi phục đối thoại nhưng mọi thứ không có gì chắc chắn.
Căng thẳng lớn nhất của Mỹ với TQ hiện tại là về thương mại nhưng không phải không có khả năng xảy ra xung đột giữa hai bên khi Mỹ luôn khẳng định không từ bỏ tuần tra tự do hàng hải ở các vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền, trong đó có biển Đông.
Với quan điểm tương đồng như bạn cùng lớp Pompeo, ông Esper sẽ là một bức tường thành nữa ngăn chặn Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn có quan điểm cứng rắn. Báo Washington Examiner |
Kín kẽ về quan điểm
Chưa có cái nhìn rõ ràng về quan điểm, chủ trương hành động của ông Esper với các điểm nóng trên thế giới. Theo The Wall Street Journal, dù là người cởi mở và hay trao đổi với truyền thông nhưng trước nay ông Esper rất cẩn thận, tránh nói về các vấn đề chính sách gây tranh cãi.
Tuy nhiên, từ một số thông tin của The New York Times, có thể hình dung ít nhiều quan điểm của ông Esper. Ở tư cách bộ trưởng lục quân, ông chú trọng hiện đại hóa lục quân và thực hiện các mục tiêu phù hợp với chiến lược quốc phòng được công bố năm ngoái. Trong đề xuất ngân sách lục quân năm 2020, ông Esper có nhiều ý tưởng để nâng cao sức mạnh lục quân trong bối cảnh có xung đột lớn với các nước như Nga, TQ.
Trả lời phỏng vấn tờ Washington Examiner tháng trước, ông Esper cho rằng với đà trỗi dậy của TQ và Nga thì Mỹ cần nghĩ thêm về chiến tranh công nghệ cao. Theo ông, suốt 18 năm qua, trong lúc Mỹ bận rộn ở các chiến trường Iraq và Afghanistan thì Nga và TQ đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội, rút ngắn khoảng cách với Mỹ. Đã đến lúc Mỹ cần lưu ý điều này.
Theo đài Fox News, đồn đoán về tình trạng công việc của ông Shanahan đã ngấm ngầm vài ngày nay, sau khi báo USA Today đưa tin Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra một vụ bạo lực gia đình từ năm 2010 giữa ông Shanahan và vợ - đã ly hôn. Về sự cố năm 2010, cả ông Shanahan và vợ đều khai người kia hành hung mình. Ông Shanahan bác bỏ mọi cáo buộc của vợ. Trong thư từ chức, ông Shanahan nói ông không muốn tiếp tục tiến trình xác nhận đề cử vì không muốn các con “phải nhớ lại một giai đoạn đau buồn của đời sống gia đình và khoét lại vết thương mà chúng tôi đã phải mất nhiều năm để hàn gắn”. Vì “cuối cùng thì sự an toàn và hạnh phúc của các con là ưu tiên cao nhất của tôi”. |