Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý yêu cầu Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia nhiều hơn vào Trung Đông ngay sau khi tiêu diệt tướng Qassem Soleimani của Iran, kênh truyền hình Al-jazeera cho biết.
Ông Trump cũng kêu gọi 29 thành viên NATO gửi thêm quân và tăng cường vai trò để "ngăn chặn xung đột" ở Trung Đông.
NATO không đáp lời
Đáp lại lời kêu gọi từ Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh có thể làm nhiều hơn nữa tại Trung Đông, nhưng sẽ không triển khai quân tới khu vực này với lý do “cách tốt nhất là để các lực lượng tại các nước tự chống khủng bố”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ ý định khối này không triển khai hoạt động tại Trung Đông. Ảnh: REUTERS
Trước khi ông Stoltenberg lên tiếng, lời kêu gọi của ông Trump đã vấp phải nhiều thái độ ngạc nhiên và cả chỉ trích về vai trò, giá trị của NATO đối với Mỹ. Nhiều thành viên NATO còn kêu gọi nhau bảo vệ liên minh.
NATO có 400 binh lính ở Iraq, huấn luyện quân đội nước này ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi sinh. Tuy nhiên, NATO đã tạm thời đình chỉ các hoạt động huấn luyện sau khi Mỹ không kích sát hại tướng Soleimani.
Vì sao?
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng có sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và một số đồng minh NATO về một số vấn đề chiến lược của Washington đối với Tehran (đặc biệt ngay sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran hồi năm 2018). Vụ sát hại ông Soleimani vừa qua càng làm NATO hạn chế vai trò tại Trung Đông hơn, theo Al-jazeera.
"Không có đồng minh NATO nào ủng hộ Mỹ tiêu diệt tướng Soleimani. Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai lên tiếng chỉ trích điều đó, một số đồng minh khác bày tỏ đó là một quyết định sai lầm mang tính thảm kịch. Đó cũng là lý do NATO sẽ không mở rộng sự tham gia của mình vào khu vực này ở bất kỳ mức độ nào", ông Ivo Daalder - đại diện thường trực của Mỹ tại NATO thời gian 2009-2013 nhận định với Al Jazeera.
Ông Daalder lý giải Mỹ yêu cầu NATO tham gia vào các chiến dịch tại Trung Đông là vì ông Trump nghĩ rằng các lợi ích của NATO gắn liền với khu vực này. Ví như châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông và chống lại các mối đe dọa từ tổ chức khủng bố IS.
“Việc này giống như ông Trump nói rằng Mỹ độc lập và không cần dầu mỏ từ Trung Đông” - ông Daalder nói.
Cơ hội để NATO "làm giá" với Mỹ
Theo cựu Chủ tịch Đại hội đồng Nghị viện NATO - bà Rasa Jukneviciene có thể nhìn thấy được thông điệp về vai trò tương lai của NATO từ phản hồi của NATO với Mỹ.
Thông điệp này, theo bà, trước hết nhắn đến các quốc gia châu Âu rằng châu Âu cần thêm quyền tự chủ chiến lược và tăng chi tiêu ngân sách cho tự chủ quốc phòng. Hiện Mỹ đóng góp khoảng 70% ngân sách của NATO, vì thế Mỹ có quyền dẫn dắt chiến lược an ninh của khối này. Mỹ cũng kêu gọi các thành viên châu Âu tăng ngân sách đóng góp lên 4% từ GDP của họ.
NATO đã quyết định đình chỉ các hoạt động huấn luyện quân sự tại Iraq. Ảnh: EPA
Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng NATO có thể nhân lời kêu gọi của ông Trump mà ngả bài với Mỹ.
"Các quốc gia châu Âu của NATO nên xem xét lời yêu cầu của ông Trump trong các chiến dịch tại Trung Đông, vì đó sẽ mở ra cơ hội cho NATO thắt chặt quan hệ với khu vực Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ và phía Mỹ" - ông Jamie Shea, thành viên cấp cao tại Hội nghị tư tưởng châu Âu ở Brussels (Bỉ) nói với Al Jazeera.
Đổi lại, theo ông Shea, nếu các đồng minh châu Âu thực hiện yêu cầu của Mỹ, thì “họ sẽ có quyền yêu cầu ông Trump không đưa ra bất kỳ đe dọa rút khỏi NATO hay vi phạm điều 5 trong hiệp ước của khối”.
Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nói rằng các đồng minh phải bảo vệ cho nhau nếu một trong các quốc gia bị tấn công.
"Mỗi một cuộc khủng hoảng đều là một cơ hội" - ông Shea nhấn mạnh.