Trung Quốc ngày 28-11 phản ứng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, gọi đây là một bước đi “rõ ràng thể hiện sự bá chủ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói nước này cực lực đề nghị Mỹ không thi hành luật để tránh làm tổn hại quan hệ và sự hợp tác giữa hai nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Ông Cảnh Sảng trả lời khi được hỏi liệu hành động của ông Trump có ảnh hưởng đến cuộc đàm phán thương mại hay không.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố quân đội nước này “quyết tâm và sẵn sàng” bảo vệ chủ quyền Trung Quốc và sự ổn định lâu dài của Hong Kong.
Trước khi ông Trump ký luật Trung Quốc đã liên tục cảnh báo sẽ có “hậu quả”. Tuy nhiên theo báo South China Morning Post (SCMP) và nhiều nhà quan sát, hậu quả đó giờ đây có thể sẽ không có gì nhiều hơn là sự giận dữ của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia từ bên trong Trung Quốc khuyên rằng nước này không nên trả đũa để không hủy hoại cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Nhiều nhà quan sát cũng thiên về khả năng Trung Quốc sẽ không trả đũa.
Đại sứ Mỹ Terry Branstad đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập cảnh cáo Mỹ sẽ phải chịu “mọi hậu quả” nếu thông qua luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong. Ảnh: EPA
Theo ông Lu Xiang - nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (trụ sở ở Bắc Kinh), Trung Quốc không nên phản ứng thái quá với bước đi của Mỹ lúc này.
Tuy nhiên, ông Lu cũng cho rằng Trung Quốc nên chuẩn bị nếu Mỹ dùng luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong để làm tăng áp lực lên Trung Quốc trong thời gian tới.
“Luật là một quân bài nhưng Mỹ chỉ có thể chơi nó một lần” - ông Lu nhận định.
Ông Lu cho rằng Mỹ sẽ thận trọng với bước chơi này, vì nếu Mỹ áp đặt trừng phạt thể theo luật này thì nạn nhân lớn nhất sẽ là người dân Hong Kong.
Bên cạnh đó, chính quyền Hong Kong nói Mỹ có “quyền lợi kinh tế to lớn” ở đặc khu này và hành động đơn phương của Mỹ chẳng những ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Mỹ với Hong Kong cũng như quyền lợi của Mỹ tại đây.
Về khả năng bước đi của Mỹ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung, ông Lu tách bạch bất đồng với Mỹ về thương mại và về Hong Kong là hai chuyện khác nhau.
Ông Lu thừa nhận quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đang cực kỳ phức tạp, Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ những cũng sẵn sàng đối đầu nếu quyền lợi bị đe dọa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) nói ông ký thông qua luật dù ông tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: REUTERS
SCMP dẫn lời một cố vấn chính phủ Trung Quốc về chính sách thương mại cũng đồng tình rằng luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong là một mối đe dọa với Hong Kong nhưng sẽ không có ảnh hưởng tức thì.
Cũng theo cố vấn này, “Trung Quốc không vội ký một thỏa thuận thương mại” với Mỹ.
Trong lúc đó, Bộ Thương mại Trung Quốc chưa bình luận về việc ông Trump ký thông qua luật về Hong Kong hay về viễn cảnh đàm phán thương mại sắp tới.
Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ mỗi năm phải ra báo cáo đánh giá về mức độ tự trị của Hong Kong.
Chính phủ Mỹ sẽ căn cứ và đánh giá này để quyết định liệu Hong Kong có còn đủ tư cách hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ áp dụng với thành phố này hay không. Nếu không, Mỹ có thể có hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế lên chính quyền Hong Kong.
Bên cạnh luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, trong ngày 27-11 ông Trump cũng ký thông qua luật Bảo vệ Hong Kong, cấm Mỹ bán các loại vũ khí kiểm soát đám đông không gây sát thương (như đạn cay, đạn cao su…) cho Hong Kong.
Diễn biến ông Trump ký thông qua luật không ngạc nhiên lắm dù trước đó vài ngày ông có nói khả năng ông sẽ phủ quyết dự luật vì lo ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Vì thực tế trước khi được chuyển đến bàn ông Trump, dự luật Hong Kong đã được sự ủng hộ gần như tuyệt đối ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ (chỉ duy nhất một hạ nghị sĩ phản đối). Nếu ông Trump có ký phủ quyết đi chăng nữa thì lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng hoàn toàn có quyền “phủ quyết lại quyết định phủ quyết” của ông Trump với thế đa số của mình.