Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã có một loạt cuộc họp và làm việc quan trọng trong ngày 9-11. Các vấn đề nổi bật được bàn luận bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, quan hệ thương mại Mỹ-Trung và hợp tác an ninh.
Hàng loạt thỏa thuận tỉ đô
Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ với các đại diện doanh nghiệp hai nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong ngày 9-11. Phát biểu tại sự kiện này, ông Tập Cận Bình khẳng định hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và xây dựng quan hệ kinh tế bình đẳng. Ông cũng đánh giá rằng mối quan hệ Mỹ-Trung có ý nghĩa bổ khuyết cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh nhau, theo Tân Hoa Xã.
Trong khuôn khổ chuyến công du lần này của Tổng thống Trump, các công ty Mỹ và TQ đã ký kết một loạt thỏa thuận thương mại và đầu tư với tổng giá trị lên đến gần 253 tỉ USD. Trang Tân Hoa Xã cho biết nổi bật trong số các thỏa thuận này có các hợp đồng bán máy bay Boeing, ô tô Ford, đậu nành từ Mỹ sang TQ, cũng như hợp tác phát triển khí đốt hóa lỏng tại Alaska (Mỹ).
“Chúng tôi sẵn lòng mở rộng nhập khẩu năng lượng và sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, thắt chặt hợp tác thương mại và dịch vụ. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ cũng sẽ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghệ dân sự sang TQ. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty TQ đầu tư sang Mỹ và cũng chào đón các công ty và thiết chế tài chính Mỹ tham gia vào Sáng kiến vành đai và con đường” - ông Tập Cận Bình khẳng định.
Trung Quốc long trọng tổ chức lễ đón tiếp chính thức cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: AP
Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Tổng thống Trump một lần nữa nhận định quan hệ thương mại Mỹ- Trung hiện nay rất một chiều và thiếu công bằng. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh chính phủ TQ cần “lập tức giải quyết các chính sách thương mại không công bằng” đã dẫn đến chênh lệch cán cân thương mại hai nước, trong đó có các rào cản tiếp cận thị trường TQ hay tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, ông Trump cũng gửi đi thông điệp xoa dịu mối quan hệ hai nước khi nói ông không trách lỗi TQ, cho rằng tình trạng hiện nay cũng là thất bại về chính sách của các đời chính phủ Mỹ. “Thật sự Mỹ cần phải thay đổi chính sách vì chúng tôi đã bị TQ và nhiều nước khác bỏ xa về thương mại” - ông Trump cho biết. Ông cũng lạc quan khẳng định tình trạng này sẽ sớm thay đổi: “Chúng tôi sẽ làm cho thương mại công bằng trở lại”.
“Tôi đã nói với ngài tổng thống rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả TQ và Mỹ” - ông Tập Cận Bình cho biết trong buổi họp báo ngày 9-11 ở Bắc Kinh. |
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất cần có thêm nhiều biện pháp khẩn cấp để chấm dứt các động thái khiêu khích của Triều Tiên. Ông Trump kêu gọi TQ cố gắng hơn nữa trong vấn đề này, bao gồm cả biện pháp cắt quan hệ tài chính với nước láng giềng. “Thời gian không còn nhiều nữa. Chúng ta cần hành động nhanh chóng. Tôi hy vọng TQ sẽ hành động nhanh hơn nữa” - nhà lãnh đạo Mỹ cho biết. Trong khi đó, ông Tập tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng cần được giải quyết bằng đối thoại.
Trong cùng ngày, ông Tập Cận Bình cũng thông báo sẽ sớm có lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm TQ và sẽ sắp xếp cử một phái đoàn quân sự sang thăm và làm việc tại Mỹ. Hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, đặc biệt là các hoạt động chống khủng bố tại Trung Đông và Afghanistan, theo tờ Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Mỹ lên tiếng về cuộc gặp của lãnh đạo Nga-Mỹ Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng đã được phía Nga xác nhận ngày cụ thể. “Thời gian cuộc gặp đã được thống nhất. Cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 10-11” - hãng tin Itar-tass dẫn lời trợ lý Yuri Ushakov của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, trả lời họp báo tại Bắc Kinh cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại thông báo rằng cuộc gặp cấp cao này “vẫn đang được xem xét”, theo hãng tin AP. Ông Tillerson cho biết chính phủ hai nước vẫn chưa thống nhất tổ chức một cuộc gặp chính thức bên lề APEC. Yếu tố quyết định cho cuộc gặp diễn ra là tùy xem các bên có “đủ nội dung” để bàn luận hay không. |