Ngày 28-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp ngăn chặn các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt trực tuyến trên các mạng xã hội. Động thái này diễn ra sau sự việc mạng xã hội Twitter dán nhãn những bài đăng của ông Trump là "có khả năng gây hiểu lầm", theo đài CNN.
Ông Trump cảnh cáo có thể đóng cửa Twitter
Phát biểu trước khi ký sắc lệnh, Tổng thống Trump nói hành động này nhằm để "bảo vệ tự do ngôn luận khỏi một trong những mối nguy nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Đó là một vài công ty độc quyền truyền thông xã hội đang kiểm soát phần lớn các hình thức truyền tải thông tin công cộng và riêng tư ở Mỹ”.
Ông Trump còn nói thêm rằng: “Đáng lẽ các công ty này không nên có quyền kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hướng, ẩn hay thay đổi bất kỳ hình thức giao tiếp nào giữa người dân và công chúng".
Tổng thống Trump phát biểu trước khi ký sắc lệnh hành pháp hôm 28-5. Ảnh: AP
Theo nội dung sắc lệnh, Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang cung cấp các quy định mới để làm rõ khi nào hành vi của một công ty là vi phạm các quy định của Mục 230 trong Đạo luật Điều tiết truyền thông.
Sắc lệnh này đánh dấu "sự leo thang kịch tính" trong cuộc chiến giữa ông Trump với các công ty truyền thông xã hội. Những công ty này đang phải đấu tranh trước sự “sai lệch thông tin” trên các mạng xã hội của họ. Trong khi đó, Tổng thống Trump thường xuyên cáo buộc các trang web, mạng xã hội kiểm duyệt các phát ngôn.
Ngoài ra, ông Trump cũng thừa nhận rằng sẽ có những thách thức pháp lý đối với lệnh hành pháp này. Ông chắc chắn các công ty truyền thông xã hội sẽ theo đuổi “một vụ kiện” đối với ông.
"Tôi đoán nó (sắc lệnh) sẽ bị thách thức tại tòa án, tại sao không? Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ làm rất tốt” – ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump cảnh báo ông có thẩm quyền pháp lý để đóng cửa Twitter. Ảnh: GETTY IMAGES
Tổng thống Trump, người thường sử dụng Twitter như là một trong công cụ để truyền đạt những thông điệp của mình, cũng cảnh báo ông có thẩm quyền pháp lý để có thể đóng cửa hoàn toàn mạng xã hội này.
Ông khẳng định: "Tôi nghĩ rằng sẽ khiến Twitter bị tổn thương rất nặng nề nếu không sử dụng mạng xã hội này nữa. Chúng ta có các trang web khác hoặc có thể sẽ phải phát triển các trang web của mình”.
Phản ứng trước sắc lệnh hành pháp của ông Trump
Đài CNN nói rằng sắc lệnh hành pháp này của ông Trump đang thử thách giới hạn thẩm quyền của Nhà Trắng.
Trong “cuộc chiến” giữa chính quyền và mạng xã hội, Nhà Trắng đang tìm cách hạn chế sức mạnh của truyền thông xã hội bằng cách diễn giải lại một đạo luật năm 1996. Đạo luật này nhằm bảo vệ nhằm các trang web và công ty công nghệ khỏi các vụ kiện tụng pháp lý.
Các chuyên gia pháp lý của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ cũng có những lo ngại nghiêm trong về đề xuất này. Họ nói rằng sắc lệnh này của ông Trump có thể vi hiến vì nó có nguy cơ xâm phạm các quyền của “Tu chính án thứ nhất” trong Hiến pháp và làm ảnh hưởng đến hai nhóm quyền lực khác là Quốc hội và Tòa án.
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ cấm chính phủ đưa ra bất kỳ đạo luật nào điều chỉnh, cấm tự do tôn giáo, giảm bớt quyền tự do ngôn luận, xâm phạm tự do báo chí…
"Ông Trump đã đánh cắp sức mạnh của Tòa án và Quốc hội mà tự mình viết lại đạo luật vốn đã ổn định hàng thập kỷ nay. Ông ấy chỉ quyết định những gì hợp pháp dựa trên những gì ông ấy quan tâm thôi” - thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden nói với CNN.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngay sau đó cũng chỉ trích việc làm của Tổng thống Trump với các "đại gia" truyền thông xã hội.
"Sắc lệnh hành pháp của ông ấy không giải quyết sự thất bại của các công ty mạng truyền thống đối phó với sự lây lan thông tin sai lệch. Thay vào đó, Tổng thống đang khuyến khích Facebook và các đại gia truyền thông xã hội khác tiếp tục khai thác và thu lợi từ sự giả dối. Còn chính phủ liên bang thì lại đang tháo dỡ những nỗ lực giúp người dùng phân biệt đâu là sự thật, đâu là điều bịa đặt" - bà Pelosi nói.
Hiện các công ty truyền thông sở hữu các mạng xã hội lớn như Facebook, Google và Twitter chưa đưa ra bất kỳ bình luân nào về sắc lệnh mới của ông Trump.