Ông Trump sẽ 'nắn gân' Twitter sau vụ dán nhãn tin sai sự thật

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đóng cửa mạng xã hội Twitter sau khi Twitter dán nhãn hai bài đăng của ông đưa thông tin sai lệch, đài CNN đưa tin.

Lời đe dọa được đưa ra sau khi Twitter dán nhãn hai đoạn tweet của ông Trump liên quan đến việc bầu cử qua thư ở bang California là "thông tin sai sự thật".

Tổng thống Mỹ viết trên Twitter cá nhân rằng đảng Cộng hòa sẽ "thay đổi mạnh mẽ hoặc đóng cửa" các mạng xã hội (ám chỉ Twitter) vì cho rằng những nền tảng này đang can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. 

Ảnh chụp màn hình đoạn tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đóng cửa mạng xã hội Twitter.

Ông Trump cho rằng "các nền tảng mạng xã hội" đã cố gắng ngăn chặn các quan điểm trái chiều và ủng hộ việc bầu cử qua thư - cách bỏ phiếu mà ông cho là sẽ cho phép "mọi người tự do gian lận, giả mạo và đánh cắp" phiếu bầu.

Giới phân tích cho rằng các lựa chọn của ông Trump có thể là tăng cường quy định pháp luật, gia tăng áp lực lên các cơ quan quản lý hay thậm chí là kiện công ty công nghệ ra tòa.

Ý tưởng sửa đổi luật: cần có đồng thuận của lưỡng đảng

Theo ông Andrew Schwartzman, cố vấn cao cấp tại Viện Xã hội và băng thông rộng Benton (Mỹ), cho rằng hành động "rõ ràng nhất" mà Tổng thống Mỹ muốn làm là sửa đổi đạo luật truyền thông đang bảo vệ các nền tảng công nghệ khỏi chịu trách nhiệm pháp lý cho một loạt nội dung trực tuyến.

Các nỗ lực đẩy mạnh việc sửa đổi luật đang được Bộ Tư pháp và phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ tiến hành. Tuy nhiên, dư luận có thể đặt ra câu hỏi về tính hợp hiến của quy định mới.

Thông qua luật sửa đổi thậm chỉ còn khó khăn hơn vì việc này cần sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ông Schwartzman nói.

Ý tưởng thông qua FCC: Cơ quan này vẫn giữ quan điểm độc lập

Ông Schwartzman cho rằng Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) đã có nhiều quy định quản lý các mạng di động và hạ tầng băng thông rộng nhưng thiếu nhiều thẩm quyền đối với các mạng xã hội như Facebook và Twitter.

"Dù Chủ tịch FCC Ajit Pai có quan hệ tốt với tổng thống và họ là đối tác của nhau trong một số vấn đề", ông Schwartzman nhận xét rằng "ông Pai vẫn duy trì sự độc lập của mình" để không bị cuốn vào đề xuất kiểm soát mạng xã hội của ông Trump. 

Ông Andrew Schwartzman, cố vấn cao cấp tại Viện Xã hội và băng thông rộng Benton (Mỹ). Ảnh: BENTON

Chuyên gia này cho rằng một hướng khác mà Tổng thống Mỹ có thể nghĩ tới là gây áp lực buộc FCC từ chối cấp phép cho các công ty mạng xã hội tiến hành các thử nghiệm về internet qua vệ tinh và băng tầng mạng không dây. Tuy nhiên, việc này không tác động đáng kể đến hoạt động cốt lõi của các công ty công nghệ.

Ý tưởng thông qua FTC: Khó chính trị hóa ủy ban này

Một lựa chọn khác được CNN đề cập là ông Trump sẽ bổ nhiệm những người cùng quan điểm vào Ủy ban Thương mại liên bang (FTC). Ủy viên mới sẽ là người sẵn sàng tiến hành điều tra các công ty công nghệ như Twitter.

FTC đang điều tra các công ty công nghệ liên quan đến các quy định chống độc quyền. Tuy nhiên, các điều tra này cần được tòa án xem xét lại và sẽ mất nhiều năm để hoàn tất.

Tuy nhiên, FTC là một cơ quan quản lý độc lập và việc chính trị hóa việc quản lý của FTC là khó khăn. Điều hành FTC là nhóm gồm năm ủy viên được bổ nhiệm luân phiên.

Bộ Tư pháp là lựa chọn tiềm năng cho ông Trump

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ do một người lãnh đạo, hiện là Bộ trưởng Tư pháp William Barr thuộc đảng Cộng hòa. Một số chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp mới là cơ quan tiềm năng để ông Trump tăng cường quản lý các mạng xã hội.

Bộ Tư pháp cũng đang điều tra toàn diện các ngành công nghiệp công nghệ trực tuyến và điều tra chống độc quyền nhắm vào Google. Cơ quan này cho biết dự kiến, các cuộc điều tra sẽ kết thúc vào mùa hè này.

Tháng 12-2019, Bộ trưởng Barr nói rằng đạo luật truyền thông hiện hành "đã cho phép các nền tảng hoàn toàn thoát khỏi các trách nhiệm trong việc kiếm soát nền tảng khi họ ngăn chặn hoặc xóa bỏ quan điểm của bên thứ ba một cách có chọn lọc mà không bị trừng phạt". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm