Sau cuộc gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng ngày 1-6 và nhận lá thư của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch vào ngày 12-6 tới tại Singapore.
Tuy nhiên, dù lạc quan cuộc gặp sẽ “rất thành công” nhưng ông Trump cũng cho biết ông và ông Kim Jong-un sẽ không ký thỏa thuận gì trong lần gặp đầu tiên này. Theo ông, thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6 tới chỉ là bước khởi đầu, chuyện ký tá có thể sẽ chỉ diễn ra sau vài lần gặp nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa)tiễn Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol ra xe sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 1-6. Ảnh: REUTERS
Dù ông Trump nói rõ sẽ chưa ký thỏa thuận giải trừ hạt nhân ngay trong lần thượng đỉnh đầu nhưng Washington Post đưa ý kiến của giáo sư quan hệ quốc tế, nhà khoa học chính trị, nhà báo Mỹ David Rothkopf rằng trước khi đến thượng đỉnh ông Trump cần đặc biệt lưu ý đến các mâu thuẫn quyền lợi dài hạn giữa Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc. Ông Rothkopf bi quan với các bất đồng này thì chuyện giải trừ hạt nhân hoàn toàn là không thể đạt được.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vài ngày trước vẫn bi quan về ý định xóa bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo nhiều nhà phân tích CIA, thậm chí Triều Tiên có thật sự muốn giải trừ hạt nhân thì điều này cũng sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Giáo sư Siegfried Hecker tại Đại học Stanford, một chuyên gia hạt nhân, từng bốn lần đến thị sát các cơ sở hạt nhân Triều Tiên, tính toán quá trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên sẽ phải mất 15 năm.