Bất ngờ số phận khu đất do Trịnh Xuân Thanh ‘thâu tóm'

Chiều 15-3, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Trong số các bị cáo, ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT công ty PVC) bị tuyên 10 năm tù về cùng tội danh và 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 18 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX cũng ra phán quyết liên quan đến phần trách nhiệm dân dự, trong đó có khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mà Trịnh Xuân Thanh “thâu tóm”.

Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 18 năm tù, không phải bồi thường thiệt hại cho PVC. Ảnh: TTXVN

Theo đó, tòa án xác định bị cáo Thanh chỉ đạo tạm ứng 25 tỉ đồng của PVC cho PVC Kinh Bắc là trái pháp luật, sau đó tự ý chuyển đổi 21 tỉ đồng thành vốn góp của PVC tại PVC Kinh Bắc.

Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (do cha ruột bị cáo Thanh đứng tên) thực chất là công ty do Thanh thành lập để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ PVC Kinh Bắc. Tính đến ngày chuyển nhượng, công ty Mai Phương mới thành lập được hai ngày, chưa có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.

HĐXX cho rằng diện tích 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc từ PVC, được sử dụng trái pháp luật thông qua hợp đồng và chủ trường góp vốn của Trịnh Xuân Thanh. Theo Điều 106 BLTTHS, số tiền chi tạm ứng và thửa đất nêu trên là vật chứng của vụ án có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của bị cáo.

Cùng với đó, Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định “tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, bao gồm: tiền, tài sản bị chiếm đoạt; lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có; tài sản khác theo quy định của pháp luật…”

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của PVC, HĐXX nhận thấy cần xác định PVC là chủ thể có quyền sở dụng hợp pháp của khu đất trên. PVC có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục xác định lại quyền sử dụng khu đất theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong số 25 tỉ đồng tạm ứng từ PVC, PVC Kinh Bắc sử dụng 23,8 tỉ đồng để mua đất, 1,2 tỉ đồng còn lại sử dụng vào việc khác. Do đó, tòa buộc PVC Kinh Bắc phải trả lại cho PVC số tiền 1,2 tỉ đồng này.

Về cá nhân Trịnh Xuân Thanh, HĐXX xác định hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho PVC hơn 13,2 tỉ đồng, tuy nhiên do HĐXX đã giao quyền sử dụng khu đất cho PVC, PVC Kinh Bắc cũng phải trả lại số tiền 1,2 tỉ đồng cho PVC, nên bị cáo không phải bồi thường cho PVC nữa.

Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh phải truy nộp sung quỹ nhà nước 3 tỉ đồng. Đây là số tiền bị cáo hưởng lợi thông qua việc mua, chuyển nhượng khu đất (tiền còn nợ PVC Kinh Bắc – PV).

Về quan hệ dân sự giữa PVC với PVC Kinh Bắc trong việc xác định tỉ lệ vốn góp, giữa PVC Kinh Bắc với công ty Mai Phương và các cá nhân khác trong việc chuyển nhượng, quản lý, sử dụng và xây dựng trên khu đất 3.400 m2, tòa xác định các bên liên quan có quyền tự giải quyết, nếu tranh chấp thì có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Đã chuyển nhượng qua nhiều người

Theo nội dung vụ án, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) về việc PVC sẽ cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng, vượt quá hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Sau khi nhận tiền, Hồng sử dụng 23,8 tỉ đồng để mua khu đất 3.400m2 tại Tam Đảo. Nhằm hợp thức hóa số tiền tạm ứng, các bị cáo chuyển số tiền 21 tỉ đồng (trong số 25 tỉ đồng tạm ứng) thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc dưới hình thức gán trừ công nợ.

Tiếp đó, Thanh thành lập công ty Mai Phương, nhờ cha ruột đứng tên. Thanh đề nghị Hồng chuyển nhượng lại khu đất này từ PVC Kinh Bắc sang cho công ty Mai Phương với giá 23,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh mới chỉ trả 20,8 tỉ đồng, số tiền 3 tỉ đồng còn lại bị cáo không trả.

Tháng 8-2015, cha bị cáo Thanh chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất 3.400m2 cho vợ của bị cáo là bà Trần Dương Nga.

Gần một năm sau, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ tài sản công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng.

Ngày 24-12-2019, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất 3.400m2 do công ty Mai Phương đứng tên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm