Dự thảo sửa đổi, bổ sung BLHS 2015: Nhiều điểm chưa ổn

Theo đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM và đại diện Công an TP.HCM, Điều 12 (tuổi chịu trách nhiệm hình sự) và Điều 14 (chuẩn bị phạm tội) quy định quá dài, rối rắm, nên giữ như quy định cũ bởi đã đầy đủ, chưa vướng mắc gì.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) góp ý: Khoản 1 Điều 29 (căn cứ miễn trách nhiệm hình sự) quy định về điều kiện rất chặt chẽ nhưng khoản 3 lại dùng cụm từ “có thể”, dễ gây tùy tiện, cần phải cụ thể, rạch ròi như khoản 1.

Ông Đoàn Tạ Cửu Long (VKSND TP.HCM) góp ý thêm: Các khái niệm “tính chất nguy hiểm đáng kể” hay “gây ảnh hưởng xấu” trong tội gây rối trật tự công cộng… dễ tạo điều kiện cho việc tùy nghi.

Một số khái niệm gây khó khăn cho cơ quan tố tụng cũng được các đại biểu chỉ ra: Ở tội không tố giác tội phạm, khái niệm “biết được” rất mơ hồ, điều này là chủ quan, CQĐT và VKS rất khó xác định để buộc tội. Ở khoản 1 Điều 13 (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), khái niệm “bệnh khác” rất chung chung, cần làm rõ để giúp cơ quan tố tụng dễ dàng đấu tranh với tội phạm.

Cạnh đó, điều kiện “có nơi cư trú rõ ràng” trong quy định về tha tù trước thời hạn cần phải được xem xét lại bởi nếu quy định vậy thì người vô gia cư vĩnh viễn không bao giờ được tha tù trước hạn. Điều này không công bằng với người nghèo, người không may mắn sinh ra đã mồ côi cha mẹ...

Đặc biệt, nhiều ý kiến đánh giá nếu quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như dự thảo thì sẽ “trói tay trói chân” CQĐT, VKS trong tình hình chiếm dụng vốn ngày càng gia tăng hiện nay. Hiểu như thế nào là “có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”?

Đại diện Thanh tra TP.HCM thì cho rằng quy định tình tiết chậm nộp hồ sơ khai thuế sẽ bị xử lý hình sự ở Điều 200 (tội trốn thuế) là quá nghiêm khắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm