Đài CBS News cho hay hóa thạch khủng long mới được phát hiện thuộc một chi và loài hoàn toàn mới của loài động vật ăn thực vật, sống rải rác trên Trái đất vào cuối kỷ Phấn trắng, cách đây hơn 65 triệu năm.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hokkaido (Nhật Bản), hóa thạch bộ xương khủng long đã nằm dưới biển 72 triệu năm ở thị trấn Mukawa.
Hóa thạch bộ xương của loài khủng long Kamuysaurus japonicus. Ảnh: CBS NEWS
Mảnh xương đầu tiên của khủng long được tìm thấy vào năm 2013. Các cuộc khai quật tiếp theo đã tìm thấy một bộ xương gần như hoàn chỉnh - lớn nhất từng được tìm thấy ở Nhật Bản.
Khủng long ban đầu được đặt tên Milawaryu, theo tên của địa điểm khai quật nhưng sau đó các nhà khoa học đã đặt lại tên cho nó là Kamuysaurus japonicus, có nghĩa là vị thần của khủng long, Nhật Bản.
Hình ảnh phục dựng của loài khủng long Kamuysaurus japonicus. Ảnh: CBS NEWS
Một phân tích gồm 350 xương và 70 loài hadrosaurids đã xác định rằng khủng long thuộc về tộc Edmontosaurini, có liên quan chặt chẽ với hóa thạch Kerberosaurus được khai quật ở Nga và Laiyangosaurus được tìm thấy ở Trung Quốc.
Kamuysaurus japonicus có một vài đặc điểm độc đáo so với những con khủng long khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy phần xương sọ nằm ở vị trí thấp hơn, xương hàm đặc biệt ngắn và một hàng gai ngắn trên lưng bị nghiêng nhiều hơn so với những con khác.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là hóa thạch của một con khủng long trưởng thành dài 8 m. Họ ước tính trọng lượng của nó là khoảng 4,5 tấn nếu nó đi bằng hai chân, hoặc 5,8 tấn nếu nó đi bằng cả bốn chân.
Nghiên cứu này giúp kết nối các phát hiện về nguồn gốc của nhóm khủng long Edmontosaurini và cách nó có thể di cư qua Bắc Mỹ đến châu Á.