Ngôi mộ cổ 3.500 năm tuổi này nằm ở bờ Tây sông Nile, thuộc khu vực Luxor, nơi nổi tiếng với các đền thờ và mộ cổ có từ nhiều triều đại khác nhau của Ai Cập cổ đại.
Xác ướp được tìm thấy trong ngôi mộ Kampp 150 dường như còn nguyên vẹn. Ảnh: National Geographic
“Hôm nay thực sự là một ngày đặc biệt. Chúng tôi đã biết đến sự tồn tại của các ngôi mộ của triều đại thứ 18 nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi vào bên trong", Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Khaled al-Anani nói về phát hiện mới ở Luxor.
Được biết hai ngôi mộ cổ này có từ triều đại thứ 18 (Từ năm 1550-1292 trước Công nguyên) và có thể là mộ của các quan chức phục vụ cho cố đô Thebes, địa danh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Mặt nạ tang lễ tại ngôi mộ Kampp 150. Ảnh: National Geographic
Trước đó, vào những năm 1990, hai ngôi mộ cổ này từng được nhà nghiên cứu Ai Cập người Đức, Friederike Kampp-Seyfried khảo sát và đánh số lần lượt là Kampp 161, và Kampp 150. Tuy nhiên, cả hai đều không được quan tâm và khai quật đến nơi đến chốn. Các nhà khảo cổ thời đó chỉ đào đến cửa hầm mộ Kampp 150, và Kampp 161 được xem như không thể khai quật được.
Phải đến năm 2017, các nhà khảo cổ Ai Cập mới tìm hiểu lại hai ngôi mộ và tiến hành khai quật, nghiên cứu chúng.
Một bức tường được vẽ nhiều màu sắc bên trong ngôi mộ Kampp 161. Ảnh: National Geographic
Theo các nhà khảo cổ, Kampp 161 có thể có từ thời Amenhotep II hoặc Thutmose IV. Dựa vào lối kiến trúc và kiểu dáng của ngôi mộ, nó có niên đại khoảng 3.400 năm tuổi. Thêm vào đó, bức tường nằm ở phía Tây ngôi mộ có phác họa một hoạt động xã hội trông giống như một bữa tiệc mô tả những lễ nghi xã hội thời đó. Ngoài ra, có rất nhiều vật dụng được tìm thấy bên trong ngôi mộ như mặt nạ tang lễ bằng gỗ, một số nội thất còn sót lại và một quan tài được chạm trổ tinh xảo.
Khác với Kampp 161, ngôi mộ Kampp 150 có đến 5 lối vào và bên trong có một xác ướp nguyên vẹn quấn trong vải lanh, 450 bức tượng gỗ nhiều màu sắc và vài mặt nạ tang lễ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ tìm thấy một phiến đá trong sân sau của ngôi mộ, từ đó cho thấy đây có thể là mộ phần của một nhà văn tên Maati cùng vợ ông là Mohi. Tuy nhiên, cần thêm nhiều chứng cứ mới xác thực được danh tính chủ nhân của hai ngôi mộ. Dựa vào các chứng cứ tìm được, các nhà khảo cổ ước tính Kampp 150 nó có từ thời Thutmose I, trước Kampp 161 khoảng một thế kỷ.
Về xác ướp tìm thấy bên trong ngôi mộ thứ 2, các nhà khảo cổ nhận định còn nguyên vẹn gần như hoàn hảo và chưa từng được đụng đến.
Một bức phù điêu được tìm thấy. Ảnh: National Geographic
Trước đó vào tháng 9 năm nay cũng tại thành phố Luxor, các nhà khảo cổ nước này phát hiện ngôi mộ của một thợ kim hoàn nổi tiếng cách đây 3.000 năm cùng với xác ướp, tượng và nhiều món đồ trang sức. Khu vực khai quật bao gồm một khoảng sân, một góc để bức tượng của thợ kim hoàn Amenemhat với vợ và một trong những người con trai của ông.
Vào đầu năm 2017, giới chức địa phương cũng tuyên bố họ đã phát hiện một ngôi mộ khác ở Luxor thuộc về một thẩm phán. Trong khi đó, các nhà khảo cổ Thụy Điển tìm thấy 12 nghĩa trang cổ gần thành phố Aswan cách đây gần 3.500 năm.
Trước đây, các vụ khai quật cổ mộ thường được thực hiện bởi các nhà khảo cổ nước ngoài. Do đó, phát hiện lần này của các nhà khảo cổ trong nước cho thấy ngành khảo cổ của Ai cập đang ngày một tiến bộ và chuyên nghiệp hơn. Thêm vào đó, giới chức Ai Cập hi vọng việc phát hiện lần này sẽ sớm vực dậy ngành du lịch vốn đang bị trì trệ do ảnh hưởng từ các bất ổn chính trị kể từ năm 2011 tới nay.