Phe Benghazi không kích dữ dội Tripoli

Giao tranh giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo có căn cứ ở TP Benghazi và lực lượng trung thành với Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) ở Tripoli vẫn diễn ra căng thẳng và có vẻ đà thắng thế lúc này đang nghiêng về phe LNA.

Tướng Haftar phát động chiến dịch đánh về Tripoli từ ngày 4-4.

Phe LNA từ Benghazi tiến về Tripoli. Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp báo ở Benghazi hôm 21-4, người phát ngôn LNA Ahmed Al-Mismari cho biết lực lượng chiến đấu trên không của phe LNA đã tấn công nhiều mục tiêu bên trong và xung quanh Tripoli, phá hủy hàng chục tài sản thuộc phe GNA.

“Quân đội, với sự hỗ trợ của không quân đã phá hủy hàng chục mục tiêu liên quan đến các nhóm phiến quân ở phụ cận Tripoli”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Al-Mismari cho biết.

Ông Al-Mismari nói rằng phe LNA đã chủ ý thực hiện không kích “hạn chế, định vị” để tránh thương vong dân thường và làm hư hại nhà cửa của dân. Theo ông Al-Mismari, các nhóm dân quân ở Tripoli đã viện tới số vũ khí và đạn dược cất trong các kho được bố trí tại các khu dân cư.

Đài Al Jazeera cho biết trong ngày 21-4 có xảy ra một số vụ không kích dọc các quận phía nam Tripoli. Nhiều người dân cho biết họ nhìn thấy một máy bay quần thảo hơn 10 vòng trên bầu trời thủ đô trước khi nã pháo xuống phía nam Tripoli.

Nhiều nhân chứng nói các máy bay thực hiện không kích là máy bay không người lái. Tuy nhiên người phát ngôn GNA Mustafa al-Mejii nói LNA đã sử dụng máy bay trực thăng để “khủng bố dân thường”. Chính quyền GNA đã tạm thời đóng cửa sân bay duy nhất còn hoạt động ở Tripoli – Sân bay Quốc tế Mitiga.

Nói với hãng tin AFP ngày 21-4, ông Mejii khẳng định LNA vẫn giữ được vị thế của họ: “Sau một ngày dài chiến đấu thành công, các lực lượng của chúng tôi đã củng cố vững chắc các vị trí mới của mình”.

Khói bốc lên từ không kích ở Tripoli. Ảnh: AFP

Al Jazeera dẫn nhiều nguồn tin quân sự cho biết hai bên đã sử dụng các máy bay chiến đấu cũ kỹ thời Liên Xô và Liên bang Nga trong các cuộc giao tranh.

Tuần trước, Thủ tướng Fayez al-Sarraj của chính quyền GNA đã chỉ đạo bắt Tướng Haftar vì phạm tội ác chiến tranh khi chỉ đạo không kích vào khu dân cư Tripoli ngày 16-4 dẫn tới hàng chục thương vong. Về phần mình, LNA cáo buộc GNA hợp tác với khủng bố.

Theo Al Jazeera, tuần trước Tướng Haftar đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm diễn ra ngày 15-4 và Tướng Haftar được Tổng thống Mỹ hoan nghênh có vai trò lớn trong chống khủng bố và giữ gìn các nguồn tài nguyên dầu.

Theo thông cáo của Nhà Trắng công bố ngày 19-4, ông Trump đã “công nhận vai trò quan trọng của Nguyên soái Haftar trong chống khủng bố và bảo vệ các nguồn dầu của Libya, và hai bên đã chia sẻ tầm nhìn về việc Libya chuyển tiếp lên một hệ thống chính trị ổn định, dân chủ”.

Theo Al Jazeera, diễn biến này dường như khẳng định thêm thiện ý của Mỹ với Tướng Haftar, dù về chính thức Washington vẫn ủng hộ chính quyền GNA ở Tripoli được thành lập theo Thỏa thuận Chính trị Libya để thống nhất đất nước này.

Tướng Khalifa Haftar vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và được ông Trump hoan nghênh vai trò chống khủng bố. Ảnh: AP

Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 18-4, không chỉ Nga mà cả Mỹ cũng từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn ở Libya. Nghị quyết này do Anh soạn thảo, đổ lỗi cho Tướng Haftar gây ra làn sóng bạo lực mới này. Mỹ không đưa ra lý do cho quyết định không ủng hộ của mình.

Tính đến ngày 21-4, số người chết vì giao tranh hai bên trong gần 3 tuần qua đã là 227 người, hơn 1.125 người bị thương, hơn 30.000 người phải sơ tán, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 21-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới