Phi công điều khiển chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines chở 239 người mất tích hơn hai năm trước trên Ấn Độ Dương khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) sang Bắc Kinh (Trung Quốc) có thể đã thực hiện chuyến bay tự sát, giết người hàng loạt.
Đây là nhận định của tạp chí New York (Mỹ) dựa theo thông tin từ một tài liệu mật chính phủ Malaysia mà tạp chí này vừa thu thập được.
Tài liệu mật này tóm tắt cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia về phi công Zaharie Ahmad Shah, cơ trưởng chuyến bay xấu số.
Theo diễn biến cuộc điều tra được đề cập trong tài liệu, sau khi xảy ra thảm kịch, phía Malaysia đã chuyển các ổ cứng máy tính nhà phi công Zaharie cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
FBI đã phân tích các ổ cứng chứa thông tin về chuyến bay giả định mà Zaharie đã dùng phần mềm mô hình hóa chuyến bay Microsoft Flight Simulator X tạo nên. FBI đã khôi phục sáu bộ dữ liệu đã bị xóa từ chương trình cho thấy Zaharie đã thực hiện nhiều chuyến bay giả định trên máy tính tại nhà.
Mỗi bộ dữ liệu này ghi lại các đặc điểm của máy bay trong các chuyến bay giả định: độ cao, vận tốc, hướng bay cùng một số thông số khác.
“Dựa vào kết quả phân tích về các bộ dữ liệu thu thập được từ thiết bị mô hình hóa chuyến bay ở nhà phi công điều khiển chiếc MH370, chúng tôi nhận thấy có một đường bay dẫn đến nam Thái Ấn Độ Dương" - tạp chí New York dẫn kết luận điều tra trong tài liệu.
Nối các bộ dữ liệu lại với nhau, các nhà điều tra đưa ra kết luận chung về chuyến bay giả định: Xuất phát từ Kuala Lumpur, bay hướng về phía tây bắc qua eo biển Malacca, sau đó quẹo trái và bay về hướng nam trên Ấn Độ Dương, tiếp tục bay cho đến khi hết nhiên liệu và rơi xuống.
Các quan chức phụ trách tìm kiếm chiếc MH370 cũng đã cho rằng chiếc MH370 đã bay theo lịch trình tương tự, dựa theo các tín hiệu máy bay phát qua vệ tinh.
Đường bay thật của chiếc MH370 (màu vàng) và đường bay giả định phi công Zaharie thực hiện (màu đỏ). Ảnh: NYM
Chuyến bay giả định này được thực hiện không đầy một tháng trước khi chiếc MH370 mất tích ngày 8-3-2014.
Thông tin này được phía chính phủ Malaysia giữ lại trong báo cáo điều tra công khai vào dịp tưởng niệm một năm thảm kịch.
Báo cáo điều tra Malaysia công bố vào thời điểm tròn một năm sau thảm kịch bác bỏ khả năng phi công Zaharie cố tình gây ra thảm kịch. Báo cáo viết “Khả năng giải quyết căng thẳng trong công việc và cuộc sống riêng của cơ trưởng rất tốt. Trước giờ chưa hề có báo cáo rằng cơ trưởng có tiền sử lo âu, bất an, dễ cáu kỉnh. Cơ trưởng không có thay đổi lớn nào trong lối sống, các thành viên gia đình không có xung đột".
Sau thảm kịch, người thân và bạn bè phi công Zaharie cũng nói về người này như một người lịch sự, có trách nhiệm với gia đình.
Phi công Zaharie bị nghi ngờ là đã thực hiện chuyến bay tự sát. Ảnh: NYM
Phi công Zaharie 53 tuổi là một phi công rất có kinh nghiệm, làm việc cho hãng Malaysia Airlines từ năm 1981. Trước thảm kịch, Zaharie mới được chuyển sang làm việc ở đội máy bay Boeing 777 và MH370 là một trong những chuyến bay đầu tiên của phi công Zaharie ở đội máy bay này.
Phi công Zaharie đã bị nghi là thủ phạm làm rơi chiếc MH370 ngay sau khi xảy ra thảm kịch. Từ lâu cũng có tin đồn rằng FBI đã tìm ra được bằng chứng, tuy nhiên phía Malaysia không công khai.
Theo tạp chí New York, tiết lộ này là bằng chứng mạnh nhất cho thấy phi công Zaharie đã có kế hoạch thực hiện chuyến bay tự sát, giết người hàng loạt.
Tạp chí New York nhận định sự rò rỉ thông tin này cũng làm suy giảm niềm tin vào chính phủ Malaysia, khi trước đây cũng có nhiều cuộc điều tra hàng không của Malaysia bác bỏ khả năng các phi công cố tình làm rơi máy bay chở đầy khách.
Ở Ai Cập cũng từng xảy ra trường hợp tương tự. Một chiếc máy bay của hãng EgyptAir bị rơi trên biển năm 1999, chính phủ Ai Cập đã giận dữ bác bỏ kết luận điều tra của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ rằng phi công đã cố tình cho máy bay rơi.
Indonesia cũng từng bác bỏ kết quả điều tra của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ rằng phi công đã cố tình bay tự sát trong một vụ rơi máy bay của hãng SilkAir năm 1997.
Trong ngày 22-7, bộ trưởng Giao thông ba nước Malaysia, Trung Quốc, Úc thông báo đóng lại cuộc tìm kiếm chiếc MH370 sau hơn hai năm thực hiện. Theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai thì đây không phải là đóng vĩnh viễn mà cuộc tìm kiếm vẫn sẽ được khôi phục nếu có thêm thông tin mới quan trọng.
Đã có khoản 130 triệu USD được bỏ ra trong hơn hai năm tìm kiếm. Các đội tìm kiếm đã rà soát phần lớn nam Ấn Độ Dương nhưng kết quả tới nay là chỉ thu thập được một số mảnh vỡ: một mảnh ở đảo Reunion (đông Madagascar), một số mảnh ở Mauritius, Nam Phi, Mozambique.