Ngày 10-4, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 với chủ đề "Tiến trình Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững: Từ chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp", được tổ chức tại Hải Phòng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất khó để tự mình giải quyết được. Phát triển cũng đi liền với các vấn đề xã hội khác như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề môi trường, tài nguyên, lương thực…
Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức của toàn cầu. Vì thế, thách thức đặt ra là Việt Nam phải lựa chọn được mô hình phát triển mà mô hình đó là kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Nói về phát triển bền vững, Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam cũng đã có bộ các chỉ tiêu để “cân đo, đong đếm” sự phát triển này. Nhưng rõ ràng, để đạt mục tiêu thiên niên kỷ còn rất xa.
Với vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh hiện nay nảy sinh từ sự phát triển không bền vững, đòi hỏi cần có sự thay đổi, dù khó khăn. “Đây là lựa chọn bắt buộc phải làm”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu và chúng ta cần hành động, chuyển đổi sớm để bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, hành động cần xuất phát từ mỗi cá nhân, mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Con đường Net Zero cần giải quyết được bài toàn về công nghệ; không sử dụng năng lượng hóa thạch.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề theo Phó Thủ tướng sẽ quyết định đến thành công của kinh tế xanh là năng lượng sạch, chuyển đổi này đòi hỏi các nước phải cùng nhau hành động, dù trình độ và khả năng khác nhau.
Từ góc độ của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện Chính phủ cũng đang tập trung để sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực điện lực.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang dự kiến thay đổi một số nghị định, tạo môi trường pháp lý để có lộ trình chuyển đổi xanh; xây dựng một số cơ chế để các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ được hình thành.
Về xác định các mô hình kinh tế, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch để Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể cùng nhau thực hiện được kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào để thực hiện được mục tiêu Net Zero cũng đang được thảo luận.
Nhấn mạnh, Phó Thủ tướng cho biết, tài chính và công nghệ là bài toán đau đầu đối với các quốc gia, cũng như Việt Nam.
"Đây là mục tiêu dù khó khăn nhưng Chính phủ không thể không làm. Quan trọng nhất là bước đi ban đầu ở đâu, làm thế nào để có công nghệ", Phó Thủ tướng nói.
Từ vấn đề đó, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để quyết định trong việc thu hút FDI, đặc biệt trong lựa chọn các dự án đầu tư. Hiện nếu chỉ thu hút đầu tư dựa vào đất đai, nhân công giá rẻ…thì sẽ không còn giá trị.
"Xu hướng thu hút đầu tư sắp tới sẽ có hai thứ, năng lượng xanh, tín chỉ xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai yếu tố này Việt Nam có tiềm năng và tài nguyên, nhưng để tận dụng được phục vụ cho phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng gửi gắm đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp FDI đồng hành để cùng nhau chuyển đổi, cam kết đi tiên phong.
Theo Phó Thủ tướng, cần định hình cơ chế thay đổi, không đi theo con đường cũ, nghĩa là dự án vào chỉ cần có đầu tư, mà nên chọn dự án giúp cho mô hình phát triển của đất nước, tạo ra nhu cầu đào tạo và phát triển con người, phục vụ cho mô hình xanh. Từ đó, tạo ra sự tiên phong cho những sự thay đổi tiếp theo.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong quá trình chuyển đổi, Chính phủ, các địa phương sẽ luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để có những hỗ trợ cần thiết; cũng như có những cơ chế trên phạm vi toàn cầu để chuyển đổi theo.