Theo lịch thì vòng tiếp theo của đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn ra tại Mỹ trong 2 ngày 30 và 31-1 (giờ địa phương), theo Reuters.
Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Mỹ đàm phán là Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tiếp phái đoàn Trung Quốc là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer.
Tiếp phái đoàn Trung Quốc ngoài ông Lighthizer còn có một lực lượng hùng hậu gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Cố vấn thương mại và sản xuất Nhà Trắng Peter Navarro.
Ông Trump sẽ tiếp ông Lưu Hạc
Vòng đàm phán sẽ diễn ra ở Văn phòng Điều hành Eisenhower, nằm trong khu phức hợp Nhà Trắng. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin, đợt sang Mỹ này, ngoài tham gia đàm phán thương mại Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sang Mỹ đàm phán thương mại và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SCMP
Vòng đàm phán thương mại này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai bên đang rất phức tạp. Mỹ ngày 28-1 truy tố tập đoàn công nghệ - thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei các tội lừa đảo ngân hàng, gian lận chuyển tiền, vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran, âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ công ty T-Mobile US Inc – nhà khai thác mạng không dây lớn của Mỹ.
Nguồn tin của Reuters cho biết Mỹ công bố quyết định truy tố Huawei trong lúc Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn đã có mặt sẵn ở Mỹ chuẩn bị cho vòng đàm phán.
Càng phức tạp hơn, Trung Quốc ngày 28-1 chính thức yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xử việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa nước mình, cho rằng đây là một sự “vi phạm rành rành” nghĩa vụ của Mỹ ở WTO.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc. Ảnh: HUFFINGTON POST
Ngày 28-1 Bộ trưởng Thương mại Ross khẳng định việc truy tố Huawei là “hành động thi hành luật pháp và hoàn toàn tách biệt với cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc”.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin nhận định hai bên sẽ phải đối mặt với “nhiều vấn đề phức tạp” trong đó có bàn cách làm sao thẩm tra được tiến trình sửa đổi của Trung Quốc một khi hai bên đạt được thỏa thuận.
“Chúng tôi muốn đảm bảo khi chúng tôi đạt được thỏa thuận thì thỏa thuận này sẽ được thi hành. Chi tiết thi hành làm sao rất phức tạp, cần được thương lượng. Bảo vệ tài sản trí tuệ, chấm dứt buộc các công ty Mỹ phải liên doanh, và thi hành thỏa thuận là 3 vấn đề quan trọng nhất” – ông Mnuchin nói trong cuộc họp báo ngày 28-1.
Tuy thế ông Mnuchin vẫn lạc quan đàm phán sẽ có tiến triển lớn. Theo ông, đã có những “tiến triển đáng kể” trong các vòng đàm phán hai bên tính tới giờ.
Khả năng đạt thỏa thuận rất mong manh
Quan hệ không được tốt giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm thị trường toàn cầu bất an trong gần cả một năm qua, và đến lúc này các nhà đầu tư vẫn chưa thể thở phào. Thông tin Mỹ truy tố Huawei càng làm các nhà đầu tư vốn đã bi quan với tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm lo lắng. Họ lo ngại diễn biến mới này có thể hủy hoại viễn cảnh có được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt thị trường châu Á ngày 29-1 chao đảo sau khi có tin Mỹ truy tố Huawei. Các thị trường Úc và New Zealand giảm mạnh nhất, tiếp đó là Hàn Quốc. Các cổ phiếu Trung Quốc, Nhật cũng giảm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tham gia phái đoàn Mỹ đàm phán với phái đoàn Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Vậy hai bên có khả năng đạt được thỏa thuận hay không? Theo Giáo sư thương mại Eswar Prasad - cựu lãnh đạo chi nhánh Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) ở Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và ông Trump cần một chiến thắng chính trị, có khả năng hai bên sẽ thống nhất một thỏa thuận “một phần, tạm thời”.
“Vẫn còn một khoảng cách rộng chia rẽ quan điểm đàm phán của hai bên, việc có được một thỏa thuận toàn diện và lâu dài là không thể” – Reuters dẫn lời Giáo sư Prasad.
Theo ông, Trung Quốc sẽ không chịu nhượng bộ nhiều trong chính sách công nghiệp và từ bỏ hỗ trợ công nghiệp nhưng Trung Quốc có thể hứa sẽ cải thiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ và giám sát thi hành việc này. Tuy nhiên, thuyết phục các nhà thương lượng Mỹ không phải là điều dễ dàng.