Người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng, trong những ngày đầu xuân họ thường chủ yếu chỉ đi lễ chùa, đền. Lễ là chính, còn phần hội rất phụ. Thậm chí nhiều đền, chùa ở miền Nam chỉ có lễ chứ không có hội.
Hành hương tùy duyên, tùy khả năng
Vào những ngày đầu năm, người Sài Gòn - từ người giàu có, trung lưu đến những người nghèo thường đi lễ chùa, đền theo điều kiện tài chính của mỗi người. Những người điều kiện tài chính eo hẹp thường đi lễ ở các đền chùa trong TP. Những đền chùa nổi tiếng linh thiêng ở TP như Lăng Ông (Bình Thạnh), chùa Ngọc Hoàng - tức chùa Phước Hải (Đa Kao, quận 1), chùa Bà ở đường Nguyễn Trãi (quận 5)… rất đông người - cả người Hoa lẫn người Việt đến hành hương. Ngoại trừ Lăng Ông, hai ngôi chùa nổi tiếng nói trên thật ra là những ngôi đền của người Hoa thờ đủ các vị thánh thần theo tín ngưỡng người Hoa chứ không phải là chùa Phật giáo nhưng cả người Hoa và người Việt vẫn gọi là chùa và đều đến lễ bái vào các ngày mùng 1, ngày rằm như những ngày vía, lễ của Phật giáo.
Còn nếu ai muốn đi lễ Phật đúng nghi lễ Phật giáo trong những ngày đầu xuân thì có thể viếng các chùa trong TP. Hàng trăm ngôi chùa cổ, kim nổi tiếng linh thiêng như các chùa cổ Cây Mai, Giác Lâm..., hoặc các chùa nổi tiếng ở trung tâm TP như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Việt Nam Quốc Tự… Nhưng như người xưa thường nói “Bụt chùa nhà không thiêng” nên nhiều người có tiền lại chọn những cảnh chùa nổi tiếng ở các tỉnh như Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), Trà Cú (Bình Thuận), Núi Cấm (An Giang)… mục đích vừa đi chùa vừa phối hợp với du lịch ngày xuân. chùa Bà (Bình Dương), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh) hay miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc) là những điểm đến hành hương rất được đông đảo người Sài Gòn và các tỉnh miền Nam ngưỡng vọng. Và thật ra đây cũng là những ngôi đền thờ đủ các vị thánh thần trong tín ngưỡng dân gian. Nhiều người muốn hành hương đến các đền, chùa nói trên nhưng điều kiện tài chính eo hẹp thì hùn nhau, góp tiền ít thuê bao xe đi về. Thật là một công đôi việc: Vừa được đi hành hương đến chùa đền xa, lại có dịp du xuân cùng những người bạn mới đồng hành, đồng đạo, có lẽ mọi người đều vui!
Dòng người đi dự lễ hội chùa Bà đông nghẹt nhưng vẫn giữ được trật tự, nề nếp.
Và một nếp văn hóa tự phát
Điều đáng trân trọng là mặc dù vào những ngày lễ lớn như rằm tháng Giêng, hầu hết đền, chùa lớn ở TP hay các tỉnh lân cận đều đông nghẹt khách hành hương nhưng ít thấy xảy ra chuyện chen lấn, giẫm đạp, tranh giành vật phẩm linh thiêng. Những ngày đầu xuân, tại Lăng Ông (Bình Thạnh), nơi thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, người ta đến dâng hương lễ bái Đức Ông - một vị khai quốc công thần triều Nguyễn nổi tiếng thẳng tính, thanh liêm và thương dân sau khi mất hiển thánh rất linh thiêng. Trong chánh điện lăng, nhiều người xin xăm, xin lộc cầu may trong tâm thế trang nghiêm, người đến sau xếp hàng chờ người trước bước ra mới vào, không hề thấy chen lấn, lộn xộn.
Hoặc tại chùa Bà (Bình Dương), ngày rằm tháng Giêng là lễ lớn nhất trong năm nên khách hành hương từ Sài Gòn và các tỉnh lân cận nườm nượp tuôn về trung tâm TP Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương, nơi tọa lạc ngôi chùa Bà nổi tiếng. Các điểm giữ xe quanh chùa Bà chu vi vài cây số đều chật kín. Người vào lễ trong chùa chen kín dày đặc nhưng cũng ít thấy cảnh xô đẩy để được vào “lễ Bà”. Không hẳn là xếp hàng nhưng coi ra tương đối trật tự, không xô bồ, bát nháo. Khách đến hành hương ở lăng Ông hay chùa Bà không kể giai cấp, xuất xứ đều có nếp văn hóa tín ngưỡng rất đáng trân trọng.
Một người bạn tôi vốn là nhà giáo dạy học ở Bình Dương gần 30 năm. Anh bảo rằm tháng Giêng năm nào mình và một ông bạn, tác giả cuốn sách Chùa Bà Bình Dương cũng đến đây, không phải để vào lễ bái mà hai đứa mình ngồi quán cà phê ở đầu đường ngắm nhìn dòng người hành hương cuồn cuộn như trôi đến chùa Bà. “Vài năm nay sau khi ông bạn mình chết, mình hết hứng thú ra đó. Nhưng mình cũng đã nghiệm ra một điều, là từ hồi đổi mới tới nay, năm sau người đi lễ đông hơn năm trước. Và người ta ăn mặc đẹp hơn, đi xe xịn hơn trước nhưng ít khi mình thấy cảnh chen lấn, giẫm đạp” - ông chiêm nghiệm.