Ngày 17-6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM), Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức tập huấn Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết, sau dịch, các DN nhìn nhận rõ nếu không triển khai kinh doanh online sẽ khó tồn tại.
Bên cạnh đó, chính dịch COVID-19 đã đưa các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu lên các sàn TMĐT. Từ đó, giúp quảng bá rộng rãi nông sản Việt, tạo tiền đề cho lần đầu tiên nông sản xuất hiện trên các sàn TMĐT.
Đáng chú ý lực lượng mua hàng trên các sàn cũng thay đổi. Đó là việc những bà mẹ là người quyết định chi tiêu trong gia đình đã chọn mua sắm online. "Họ cảm thấy quá tiện lợi và sau dịch họ không quay lại phương thức mua sắm cũ. Điều này dự báo doanh số TMĐT trong thời gian tới sẽ bùng nổ"- ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, bên cạnh cơ hội, DN Việt gặp không ít khó khăn trong ứng dụng TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể như việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, lập kế hoạch kinh doanh online, tối ưu hóa nguồn lực về maketing trực tuyến…
Để giải bài toán này, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với các cơ quan để triển khai đồng bộ nhiều chương trình thúc đẩy phát triển thị trường TMĐT.
Chủ động phối hợp Sở Công thương 63 tỉnh thành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ DN. Trong đó, có TP.HCM ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương, nông sản, đặc sản địa phương qua các sàn TMĐT lớn.
Bên cạnh đó, Cục đã hợp tác với Amazon, Alibaba… hỗ trợ DN xuất khẩu hay xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với mục tiêu hỗ trợ 10.000 DN đẩy mạnh phát triển TMĐT trong giai đoạn 2021-2025 thông qua TMĐT xuyên biên giới.
“Với những kế hoạch cụ thể như vậy chúng tôi kỳ vọng những chương trình hỗ trợ địa phương, trong đó có TP.HCM sẽ là hỗ trợ thiết thực với DN”- bà Huyền nói.
Doanh nghiệp, shipper kiến nghị hỗ trợ chi phí xăng dầu
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến vấn đề vận chuyển. Ngay cả đối với một số shipper, khi giao hàng đều ăn chia tiền với các nền tảng nhưng do giá xăng dầu đang tăng, các shipper không được hỗ trợ, vẫn phải chịu các chi phí…
Do đó, một số shipper, DN bán hàng trên TMĐT cho biết không thể chạy vì giá xăng tăng quá cao, chi phí vẫn tăng cao nhưng lợi nhuận mang về cho họ không đổi. Vì vậy, họ không còn khả năng cầm cự để hoạt động trong thời gian này.
"Chúng tôi đang tiếp nhận ý kiến, sẽ có những phúc đáp và có những kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng lòng trong thời gian này để hỗ trợ như trước đây có nhiều chương trình hỗ trợ đối với các DN vận tải"- ông Dũng nói.