PTT Vương Đình Huệ: Dứt khoát không nới trần nợ công

Trao đổi với báo chí bên lề buổi thảo luận tổ Quốc hội về kinh tế sáng 22-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá áp lực trả nợ đang rất lớn. Nhiều ý kiến băn khoăn có nên nới trần nợ công hay không. Điều này cũng đã được bàn thảo khá nhiều trong các cơ quan quản lý và chuyên gia.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng theo nguyên lý, nhà đã nghèo, đất nước khó khăn thì chưa có nhiều của ăn của để, sẽ phải đi vay phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng ở các nước phát triển, nợ công có thể lên đến 100%-200% mà mình cứ chốt 65%. Chính phủ đã tính toán rất kỹ, trần nợ công quan trọng nhưng không phải tất cả. Điều quan trọng hơn là khả năng trả nợ.

Phó Thủ tướng nêu thực tế theo thông lệ quốc tế, tỉ trọng nghĩa vụ ngân sách nhà nước trên thu ngân sách ở mức giới hạn là 25%. Tuy nhiên, năm 2015 tỉ lệ này của Việt Nam đã lên đến 27,4%, kể cả phần chi để trả nợ và phần vay đảo nợ. Đặc biệt, năm 2016-2017 là đỉnh của nợ, nếu chúng ta nới trần nợ công sẽ dẫn đến áp lực trả nợ lớn hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Vay nợ trong khả năng trả nợ chứ không để đời con cháu gánh chịu. 

Do đó theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo an toàn nợ công, dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không quá 65%, nợ chính phủ không quá 55%, nợ nước ngoài không quá 50% cho đến năm 2020. Đây là quyết tâm của Chính phủ và Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội mục tiêu này.

Để giảm áp lực trả nợ và đảm bảo nhu cầu phát triển, theo ông Huệ cần huy động cao độ nguồn lực xã hội. “Mọi người hay nói đến kiều hối nhiều, ngoại tệ nhiều, vàng trong dân nhiều thì bây giờ Chính phủ đang đẩy mạnh huy động phong trào đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Doanh nghiệp càng nhiều lên thì đầu tư nhiều hơn, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. Nhà nước chỉ đầu tư vào những hạng mục quan trọng, thiết yếu, có tính chất làm mồi; phấn đấu tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống, hiệu quả đầu tư tăng lên, khi đó mới đạt mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công” - ông Huệ đưa ra phương án.

Bên cạnh đó, người phụ trách mảng tài chính-ngân sách của Chính phủ cho rằng các mục tiêu kinh tế đã được đặt ra, vấn đề quan trọng là phải siết chặt kỷ cương ngân sách, coi tiết kiệm là quốc sách.

"Chính phủ nhất quán phấn đấu tăng thu để tăng chi nhưng chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại cho đời sau, vay nợ trong khả năng trả nợ chứ không để đời con cháu gánh chịu" - ông Huệ nhất quán quan điểm.

Ngoài ra, nếu địa phương nào giảm thu ngân sách nhất quyết giảm chi, cắt những khoản chi ngân sách không cần thiết. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng như các địa phương cần phấn đấu tăng thu ngân sách, kể cả thu nội địa và thuế quan, siết chặt giá tính thuế, mở rộng cơ sở thuế, khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp mới…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm