Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 (ngày 2-11) diễn ra tại Thái Lan, Tổng Công ty Điện lực dầu khí (PV Power) đã ký kết hợp tác với Công ty Năng lượng B. Grimm Power (BGP), thuộc Tập đoàn B. Grimm (Thái Lan).
Sử dụng nhiệt điện khí là tất yếu
Buổi ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Lãnh đạo PV Power và B. Grimm Power ký kết hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết lần này giữa PV Power và B. Grimm Power tập trung vào việc cùng nghiên cứu đầu tư chuỗi vào các dự án kho, cảng LNG, nhà máy điện khí tại Cà Mau, Kiên Giang và trao đổi kinh nghiệm về công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa các nhà máy điện. Sự kiện này hứa hẹn tạo ra một sự cộng hưởng để cùng phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam (VN) cũng như tiến tới môi trường hợp tác quốc tế trong tương lai đầy tiềm năng của PV Power.
Theo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện cả nước có khoảng 7.200 MW điện khí, cung ứng 45 tỉ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025 VN sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỉ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG.
Bên cạnh nguồn khí trong nước, từ sau năm 2020 VN sẽ phải nhập khẩu LNG. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến năm 2035, VN sẽ cần nhập 1-4 tỉ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và từ năm 2026 sẽ tăng lên 6-10 tỉ m3/năm.
Theo Bộ Công Thương, năm 2019 khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỉ m3. Thế nhưng, hiện nay khả năng cấp khí sẽ chỉ duy trì được đến năm 2022 và từ năm 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt. Vì vậy, giai đoạn sau năm 2020 nguồn khí trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên VN sẽ phải nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí.
Bộ Công Thương cũng cho rằng hiện khí LNG là nguồn năng lượng sạch và đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng, xu hướng tất yếu đối với thế giới cũng như VN trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống (thủy điện, than...) suy giảm.
Công nghệ cao, thân thiện môi trường
Một số chuyên gia năng lượng cho biết nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Lượng cung khí LNG trên thế giới đang dồi dào với giá cạnh tranh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án điện khí.
Một nhà máy điện khí của PV Power.
PV Power với chiến lược phát triển tương lai sẽ tập trung chính vào các dự án điện khí với nguồn nhiên liệu LNG nhập khẩu. PV Power dự kiến sẽ nghiên cứu phát triển thêm các chuỗi dự án LNG nhập khẩu, nhà máy điện khí tại các khu vực Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh… cũng như các dự án năng lượng tái tạo để góp phần cung cấp đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế quốc gia.
Bên cạnh những hoạt động thu xếp tài chính cho dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, PV Power luôn quan tâm đến hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về trao đổi kinh nghiệm cũng như tiến tới hợp tác đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, bộ đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và đề xuất ban hành khung pháp lý để phát triển ngành LNG VN. Trước hết, cơ quan quản lý đề xuất các cơ chế chính sách nhập và phân phối LNG, các mô hình, cơ chế kiểm soát giá LNG cấp cho nhà máy điện. Đồng thời, xúc tiến thu hút đầu tư vào các dự án chuỗi khí điện LNG.
Bộ Công Thương hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp VN để đầu tư phát triển chuỗi khí - điện sử dụng LNG tại VN và cung cấp nguồn LNG ổn định, cạnh tranh.
Hiện nay, Tập đoàn B. Grimm đang vận hành 45 dự án điện với tổng cộng suất lắp đặt là 2.892 MW, trong đó có 24 dự án sản xuất điện mặt trời, 17 dự án nhiệt điện, ba dự án thủy điện và một dự án phát điện bằng diesel. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang phát triển 11 dự án điện nữa mà khi hoàn thành sẽ giúp tăng tổng công suất lên 3.245 MW. Tại VN, BGP cùng hợp tác với các đối tác đầu tư xây dựng nhà máy điện dầu diesel tại Biên Hòa với công suất 13 MW, vận hành từ năm 1999; dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1&2 (Tây Ninh) với tổng công suất 420 MW; dự án nhà máy điện mặt trời Phú Yên với công suất 257 MW, vận hành thương mại từ tháng 6-2019. |