Ngày 13-1, trang tin UAWire (Ukraine) dẫn thông tin từ truyền thông Bosnia và Herzegovina (BiH), cho biết sản phẩm chế tác mạ vàng mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được một lãnh đạo BiH tặng có trị giá 12,5 triệu euro (tức khoảng 342 tỉ đồng).
Món quà này được thành viên Hội đồng Tổng thống BiH, lãnh đạo cộng đồng người Serbia tại nước này, ông Milorad Dodik tặng ông Lavrov nhân chuyến công du của Ngoại trưởng Nga tới quốc gia vùng Balkan hồi giữa tháng 12-2020.
Theo kênh truyền hình BN TV (BiH), sản phẩm thủ công này được chế tác cách đây khoảng 300 năm, từng được lưu giữ trong Ngân hàng Srpska (BiH) trước khi định chế tài chính này phá sản và bị Ngân hàng Ukio (Lithuania) tiếp quản.
Theo một nguồn tin thân cận với ông Dodik, nhà lãnh đạo này cho rằng món quà có nguồn gốc từ Nga và bằng việc tặng cho ông Lavrov, ông Dodik chỉ đang trả sản phẩm chế tác này về nơi đã tạo ra nó.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng trước khi trao món quà cho ông Lavrov, ông Dodik chưa thông tin cho phía Nga về món quà này theo đúng nghi thức giữa hai chính phủ.
Sản phẩm chế tác mạ vàng (trái) mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được tặng ở Bosnia và Herzegovina và con dấu ở mặt sau (phải). Ảnh: UAWIRE
Tuy nhiên, nguồn gốc cổ vật này là một vấn đề gây tranh cãi. Dẫn một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về con dấu được cho là ở mặt sau của sản phẩm chế tác trên, Ukraine cho rằng đây là cổ vật bị các chiến binh người Serbia đưa từ vùng chiến sự Lugansk (Ukraine) về BiH một cách bất hợp pháp.
Ukraine cho rằng con dấu được chụp lại là con dấu của Ủy ban Bảo vệ Di tích tự nhiên và văn hóa vật chất - cơ quan được thành lập năm 1926 (trong thời gian này, Ukraine là một phần của Liên Xô) tại Bảo tàng Khảo cổ và lịch sử Odessa (miền nam Ukraine). Do đó, chính quyền Kiev coi món đồ thủ công này là tài sản của Ukraine.
Trong khi đó, văn phòng của ông Dodik giải thích với phía Ukraine rằng sản phẩm chế tác này từng thuộc sở hữu của một gia đình ở Cộng hòa Srpska - một trong hai thực thể chính cấu thành nên nhà nước BiH, có đa số dân cư là người Serbia - và là một "biểu tượng mang tính gia đình".
Ngày 19-12-2020, các lãnh đạo Nga thông báo đã gửi lại món quà này cho Đại sứ quán BiH ở Moscow, đồng thời nhờ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hỗ trợ xác minh nguồn gốc cổ vật này. Trước đó, Văn phòng Công tố BiH đã mở một cuộc điều tra về sản phẩm chế tác này.
Ngày 5-1, ông Dodik cho biết sản phẩm chế tác này đã được gửi trả cho gia đình mà ông coi là "chủ sở hữu" của món cổ vật.
Trong các công hàm gửi cho BiH, phía Ukraine yêu cầu chính quyền Sarajevo cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm chế tác này, cũng như cách nó được đưa tới BiH.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có kết luận rõ ràng nào về việc liệu món cổ vật này có phải là đồ do hành vi bất hợp pháp mà có hay không.