Quân đội Myanmar trả 2 triệu đô để vận động hành lang tại Mỹ

Chính phủ quân sự Myanmar sẽ trả 2 triệu USD cho một nhà vận động hành lang người Canada gốc Israel để “hỗ trợ giải thích tình hình thực tế” của cuộc chính biến hôm 1-2 cho Mỹ và các nước khác. Thông tin này được tiết lộ trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp Mỹ, theo hãng tin Reuters.

Có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ

Ông Ari Ben-Menashe và công ty Dickens & Madson Canada của ông sẽ đại diện cho chính phủ quân sự Myanmar tại Washington cũng như sẽ vận động Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Israel và Nga cũng như Liên Hợp Quốc (LHQ), theo một thỏa thuận tư vấn.

Những người biểu tình phản đối chính biến đứng sau hàng quần áo được treo lên trên một con đường nhằm ngăn lực lượng an ninh tiến vào khu vực biểu tình ở TP Yangon (Myanmar). Ảnh: AP

Công ty đặt tại TP Montreal (Canada) sẽ hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện các chính sách vì sự phát triển có lợi cho Cộng hòa Liên bang Myanmar, đồng thời hỗ trợ giải thích tình hình thực sự tại đất nước này, thỏa thuận cho biết.

Thỏa thuận được gửi lên Bộ Tư pháp Mỹ hôm 8-3 như một phần của việc tuân thủ Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) và được công bố online.

Một phát ngôn viên của chính phủ quân sự Myanmar không trả lời điện thoại từ Reuters.

Bản thân ông Ben-Menashe tiết lộ với Reuters rằng ông được giao nhiệm vụ thuyết phục Mỹ rằng các tướng lĩnh của Myanmar muốn xích lại gần Washington và tránh xa Trung Quốc.

Ông Ben-Menashe nói các tướng lĩnh Myanmar muốn tái định cư cho người Hồi giáo Rohingya, những người tị nạn do cuộc tấn công quân sự năm 2017 mà LHQ cáo buộc chính những tướng đó giám sát cuộc diệt chủng.

 “Thật khó tin khi ông ấy có thể thuyết phục Mỹ tin câu chuyện mà ông ấy đang đề xuất” – ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á tại Tổ chức Giám sát nhân quyền nói.

Những tài liệu khác do ông Ben-Menashe đệ trình cho thấy thỏa thuận đã đạt được với Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Mya Tun Oo và chính phủ quân sự sẽ trả cho công ty này 2 triệu USD.

Ông Mya Tun Oo cùng những vị tướng hàng đầu khác đã bị Bộ Ngân khố Mỹ và chính phủ Canada trừng phạt, vì vậy khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi “được pháp luật cho phép”.

Các luật sư nói với Reuters rằng ông Ben-Menashe có thể vi phạm lệnh trừng phạt.

“Trong phạm vi mà ông ấy đang cung cấp dịch vụ cho các bên bị Mỹ trừng phạt mà không được ủy quyền, điều này dường như vi phạm luật pháp Mỹ” – ông Peter Kucik, cựu cố vấn cấp cao về lệnh trừng phạt tại Bộ Ngân khố Mỹ nhận định.

Bộ Ngân khố Mỹ từ chối bình luận.

Nói với Reuters, ông Ben-Menashe cho hay ông đã nhận được lời khuyên pháp lý rằng ông sẽ cần giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Ngân khố Mỹ và chính phủ Canada để nhận khoản thanh toán 2 triệu USD. Tuy vậy, ông sẽ không vi phạm pháp luật khi vận động hành lang cho chính quyền quân sự Myanmar.

“Có những chi tiết chuyên môn ở đây nhưng chúng tôi sẽ giao việc đó cho các luật sư và OFAC giải quyết” – ông Ben-Menashe nói.

HĐBA LHQ không đạt được thỏa thuận lên án chính biến Myanmar

Trong khi đó, hôm 9-3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) không thể thống nhất tuyên bố sẽ lên án cuộc chính biến ở Myanmar. LHQ kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế, đồng thời đe dọa xem xét các biện pháp tiếp theo mặc dù các nhà ngoài giao cho biết các cuộc đàm phán có thể sẽ tiếp tục.

Binh sĩ nhảy khỏi xe trong một cuộc đụng độ người biểu tình ở TP Mandalay. Ảnh: AFP/Getty Images

“Mỗi nước thành viên đều có vai trò riêng và chung. Nói chung, chúng tôi luôn tìm kiếm tiếng nói mạnh mẽ và hành động kiên quyết từ HĐBA” – người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói hôm 9-3.

Dự thảo tuyên bố của LHQ mà Reuters thu thập được hôm 9-3 kêu gọi quân đội Myanmar hết sức kiềm chế. Dự thảo tuyên bố nhấn mạnh cơ quan này đang theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng xem xét các biện pháp tiếp theo.

Tháng trước, HĐBA LHQ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình trạng khẩn cấp mà quân đội Myanmar áp đặt, kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị bắt. Tuy nhiên, tuyên bố không lên án chính biến do vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc.

Một nhà điều tra nhân quyền độc lập của LHQ về Myanmar và Tổ chức giám sát nhân quyền trụ sở New York (Mỹ) kêu gọi HĐBA áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và áp lệnh trừng phạt kinh tế vào quân đội Myanmar.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết lệnh trừng phạt khó có thể được xem xét sớm vì những biện pháp như vậy có thể sẽ bị Nga và Trung Quốc – hai trong năm nước có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ phản đối.

Dự thảo tuyên bố được HĐBA bắt đầu thảo luận sau phiên họp kín hôm 5-3, cực lực lên án việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình hòa bình.

Dự thảo còn bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, gồm hạn chế đối với nhân viên y tế, xã hội dân sự, nhà báo, nhân viên truyền thông, đồng thời kêu gọi phóng thích tất cả người bị bắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm