Ngày 31-3, tại TP Đà Nẵng, Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục VHCS, Bộ VH-TT & Du lịch. Ảnh: HẢI HIẾU |
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục VHCS, Bộ VH-TT & Du lịch, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập trong hoạt động quảng cáo, như sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.
Bà Hương, cho biết trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ bổ sung nội dung về quyền và trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.
“Sắp đến luật có hẳn một điều về trách nhiệm của đối tượng này. Đây là người sử dụng các phương tiện để quảng cáo mà không nhất thiết phải là người nổi tiếng. Trách nhiệm chuyển tải chỉ được trong phạm vi tính năng chất lượng của sản phẩm đó mà cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép. Còn nếu nói quá, thổi phồng thì sẽ có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nếu như hành vi vi phạm quá lớn, gây tác động cho những người sử dụng sản phẩm”, bà Hương khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, từ khi Luật Quảng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp để phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức.
Tuy nhiên hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố còn một số bất cập cần giải quyết. Bất cập thứ nhất là quy hoạch quảng cáo; thứ hai là công tác cấp phép; thứ ba là về công tác xử phạt.
Đại diện Sở VH TP.HCM cũng cho hay trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, lập Quy hoạch quảng cáo ngoài trời căn cứ theo Luật Quảng cáo và các văn bản quy định có liên quan, TP.HCM gặp khó khăn khi vướng phải hàng lang an toàn giao thông đường bộ. Các quy định chồng chéo cũng khiến địa phương chưa tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững.
Đặc biệt, hiện nay Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về quảng cáo bằng màn hình led. Khi đụng chuyện, lực lượng chức năng rất lúng túng về việc hướng dẫn, xử phạt không biết dựa vào điều khoản này. Có những lúc xử phạt vi phạm về luật quảng cáo phải dựa vào luật về xây dựng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: HẢI HIẾU |
Còn theo đại điện của TP Cần Thơ cho biết, luật quảng cáo rất nhiều điều khoản chồng chéo, khi áp dụng theo một số điều luật, cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong việc thống nhất nội dung sản phẩm quảng cáo. Hoặc trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu cũng chưa được quy định trong pháp luật quảng cáo hiện nay.