Đó là bộ máy cồng kềnh mà không hiệu quả, có thẩm quyền nhưng không rõ nghĩa vụ, chế độ trách nhiệm.
Lao động hưởng lương ngân sách thì đông. Càng cố tinh giản thì càng tăng. So với năm 2007, tới năm 2014 tổng biên chế hành chính sự nghiệp tăng hơn 30% (cả nước là 34%). Cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn của tỉnh xấp xỉ 33.000 người, tương đương định biên công chức, viên chức toàn tỉnh.
Từ thực trạng trên, Quảng Ninh xây dựng, triển khai đề án tinh giản biên chế trên quan điểm phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, bám sát phương châm “cái gì có lợi cho dân thì làm”. Toàn tỉnh sắp xếp lại bộ máy theo hướng sáp nhập các cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc có nhiều mặt tương đồng, theo tinh thần một chức năng, một nhiệm vụ chỉ một người chủ trì, chịu trách nhiệm.
Thực hiện mô hình bộ phận tài vụ phục vụ chung đối với các ban xây dựng Đảng, Đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy và cả huyện ủy - UBND huyện ở những nơi đã thống nhất hai chức danh bí thư - chủ tịch.
Chuyển đổi các đơn vị kinh tế, sự nghiệp có khả năng tự chủ sang mô hình doanh nghiệp. Thí điểm xây dựng cơ quan tham mưu giúp việc chung cho khối cơ quan MTTQ và các đoàn thể thành viên ở cấp huyện.
Kết quả, đến nay đã giảm hai đơn vị sự nghiệp của tỉnh, 91 phòng ban, đầu mối trực thuộc cấp sở, ban ngành, huyện. Tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Trong công tác cán bộ, Quảng Ninh đi đầu thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, qua đó bổ nhiệm được 89 trường hợp mà trên 70% là trẻ, đều trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc hai bằng đại học trở lên. Tỉnh cũng đẩy mạnh thí điểm bầu bí thư trực tiếp tại đại hội với 80% đảng bộ cơ sở và trên cơ sở, trong đó có 100% đảng bộ cấp huyện.
Đáng chú ý, Quảng Ninh còn thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố. Sau đó cấp ủy mới phân công theo phương châm “dân tin, Đảng mới cử”.
Kết quả, qua rà soát, sắp xếp lại cán bộ đã tinh giản được hơn 1.600 công chức, viên chức, lao động. Giảm chi phụ cấp cho 17.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở. Kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu bí thư cấp ủy - chủ tịch UBND ở 30% đơn vị cấp xã, 14% cấp huyện (tiến tới tăng lên 50% và 25%). Nhất thể hóa chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng tương đồng như Ban Dân vận - MTTQ, ủy ban kiểm tra - thanh tra, Ban Tuyên giáo - trung tâm bồi dưỡng chính trị, tổ chức - nội vụ ở 34%-70% đơn vị cấp huyện. Thực hiện kiêm nhiệm ở 50% chức danh thôn, bản, khu phố.
Bà Đỗ Thị Hoàng đánh giá những thí điểm, đột phá trên của Quảng Ninh thể hiện tư tưởng tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó. Không cầu toàn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Việc gì chưa có quy định nhưng thực tế đòi hỏi thì mạnh dạn đề xuất thí điểm. Đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhân dân - doanh nghiệp. Gắn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và tinh giản biên chế.