Quảng Ninh tập trung khôi phục, tái thiết lại sau bão số 3

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của với tỉnh nhà, ông cảm thấy vô cùng xót xa trước những mất mát của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác ứng phó với bão, đề ra các phương án nhằm khắc phục hậu quả do bão để lại.

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, cho biết bão số 3 đã gây ra thảm họa lớn cho tỉnh. Con số thiệt hại về người là 29 người chết và hơn 1.600 người bị thương, trong đó khoảng 90 người bị thương nặng.

Các đại biểu dự hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3 gây ra.
Các đại biểu dự hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3 gây ra.

Dù đã có sự chuẩn bị nhưng mức độ tàn phá của bão vượt quá dự đoán. Trong đó, bão số 3 đã khiến 129 chiếc tàu, thuyền tại tỉnh bị chìm. Nhiều tàu bị giật tung dây neo và chìm, trong khi một số người trông coi trên xà lan đang trôi dạt đã được lực lượng tìm kiếm cứu nạn phát hiện. Công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục diễn ra.

Về tài sản, Quảng Ninh ước tính thiệt hại lên đến hơn 24.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 50% tổng thiệt hại của 26 tỉnh, TP miền Bắc.

Trong đó, thiệt hại về công trình kiến trúc, cơ quan nhà nước và nhà ở của người dân khoảng 6.447 tỉ đồng; thiệt hại về lâm nghiệp vượt 5.200 tỉ đồng; thiệt hại về thủy, hải sản hơn 3.600 tỉ đồng; ngành du lịch thiệt hại hơn 2.400 tỉ đồng.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết ông cảm thấy xót xa khi chứng kiến những mất mát, thiệt hại đó. Không chỉ vậy, sau khi bão số 3 đi qua, 99% địa phương ở Quảng Ninh mất điện, nước, toàn tỉnh tê liệt thông tin liên lạc. Điều này cũng gây khó khăn về việc chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Ngoài ra, vì mất điện, mất nước nên các cơ sở y tế, bệnh viện không thể thăm khám, chữa bệnh cho người dân; hoạt động của các cơ sở công nghiệp, ngành than đều bị đình trệ. “Đối với cơn bão này phải dùng từ thảm họa, thảm khốc" - ông Huy nói.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3. Trong đó, phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tương quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, để vừa làm chỉ báo cho các quyết sách về kinh tế - xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách cho người dân, doanh nghiệp.

tap-trung-khoi-phuc-tai-thiet-lai-tinh-quang-ninh-sau-bao-so-3-2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại hội nghị.

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất có thể. Qua đợt bão này, ông yêu cầu các ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão; ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Ông Huy cho biết tỉnh tiếp tục đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, báo cáo Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ.

Quảng Ninh cũng đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; có chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương này cũng đang tập trung xây dựng Đề án khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão và có quyết định lập tổ công tác để xây dựng đề án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm