Quốc hội Mỹ cản ông Trump ‘dàn hòa’ với Nga

Ngày 25-7 (giờ Mỹ), dự luật trừng phạt Nga chính thức “qua ải” Quốc hội Mỹ và chỉ còn chờ Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu đặc biệt áp đảo, gồm nhiều biện pháp trừng phạt mới với Nga vì các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, vi phạm nhân quyền, hoạt động quân sự tại Ukraine và Syria.

Các lệnh trừng phạt nhắm đến một số quan chức phụ trách an ninh mạng ở Nga, các nhân vật liên quan việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, vi phạm nhân quyền và phân phối vũ khí tại Syria. Mỹ hạn chế công ty Mỹ làm ăn với các đối tác Nga, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Các lệnh trừng phạt này có thể gây khó khăn lớn với Nga khi kinh tế Nga mới chỉ vừa có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm dài chịu cảnh dầu mất giá, lạm phát, thiếu tăng trưởng.

Cản ông Trump gỡ trừng phạt

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, một điểm quan trọng và được chú ý nhất trong dự luật là cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump tự ý dỡ bỏ bất kỳ trừng phạt nào với Nga khi chưa được phép của Quốc hội.

Theo đó, nếu ông Trump muốn trả lại hai khu nhà ngoại giao của Nga mà chính phủ Obama tịch thu cuối năm 2016, hay dỡ bỏ trừng phạt lên các cá nhân, công ty Nga liên quan đến việc sáp nhập Crimea… thì phải có văn bản xin ý kiến Quốc hội trước. Ngoài ra, trong dự luật này còn có một số biện pháp trừng phạt Iran về ủng hộ khủng bố và Triều Tiên về các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Truyền thông Mỹ hoan nghênh quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, theo USA Today, việc Quốc hội Mỹ can thiệp trực tiếp vào tiến trình thực hiện chính sách đối ngoại không phải là quyết định “thông minh”, khi đây là lĩnh vực của riêng nhánh hành pháp. Nhưng mặt khác, thông qua dự luật trừng phạt Nga lần này, lưỡng viện đã có thể gửi một thông điệp thống nhất và rõ ràng đến ông Trump về thái độ của giới lãnh đạo Washington đối với Nga.

Kênh CNN cho rằng với sự đồng lòng này, Quốc hội muốn ông Trump hiểu được tầm quan trọng các mối đe dọa từ Nga mà Mỹ đang phải đối mặt. Và ông Trump với tư cách tổng tư lệnh quân đội Mỹ phải có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, CNN nhận định. Trong khi đó theo The Washington Post, việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gạt mọi bất đồng để thống nhất đạo luật cho thấy giới lãnh đạo Washington đang không đủ tin tưởng ông Trump sẽ bảo vệ được các quyền lợi của Mỹ trước Nga.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (trái) và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Getty

Ông Trump có thể phủ quyết?

Dự luật này đã được Thượng viện thông qua từ nhiều tháng trước, cũng với tỉ lệ phiếu thống nhất áp đảo. Lưỡng viện tới đây sẽ cùng bàn bạc, thỏa hiệp một dự luật sau cùng trình ông Trump quyết định trước kỳ nghỉ họp của Quốc hội tháng 8 tới. Hãng Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết ông Trump chưa quyết định thông qua hay phủ quyết dự luật.

Một khi được ban hành, chắc chắn luật này sẽ là bước cản trở lớn trong hy vọng cải thiện quan hệ với Nga của ông Trump. Bên lề hội nghị G20 ở Đức đầu tháng này, ngoài cuộc gặp chính thức đầy thân thiện, ông Trump còn có cuộc gặp không công khai với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có phiên dịch viên phía Mỹ. Điều này vừa mở hy vọng sự nhiệt tình của ông có thể cải thiện quan hệ Nga-Mỹ và giảm nguy cơ xung đột, vừa tạo lo ngại sự thiếu chuyên nghiệp của ông Trump đe dọa lợi ích của Mỹ.

Mới đây ông Trump quyết định dừng hỗ trợ phe nổi dậy ở Syria khiến nhiều người hoài nghi liệu có phải ông đã nhượng bộ Nga ở Syria hay không. Trước đó ông Trump từng nói có ý định dỡ bỏ trừng phạt Nga mà chính phủ Obama ban hành. Về luật, tổng thống có quyền phủ quyết dự luật Quốc hội đề nghị. Dù vậy, động thái phủ quyết cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu 2/3 số nghị sĩ Hạ viện lẫn Thượng viện cùng bỏ phiếu bác quyết định của ông.

Ông Trump hiểu rõ hành động phủ quyết sẽ là một bước đi bất lợi về chính trị với bản thân mình, đặc biệt khi dự luật đã được thông qua với số phiếu áp đảo tại lưỡng viện. Ông Trump cũng sẽ tự đẩy mình vào thế khó và không tránh khỏi bị chỉ trích là thiên vị Nga, trong khi sức ép từ cuộc điều tra Nga liên lạc với êkíp tranh cử của ông vẫn chưa hạ nhiệt. Nếu phủ quyết, ông Trump còn có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng bị Quốc hội, đang do đảng Cộng hòa của ông kiểm soát, bỏ rơi. Theo Văn phòng Sử học Thượng viện, điều này chưa từng xảy ra ở Mỹ kể từ năm 1980, khi ông Jimmy Carter làm tổng thống.

Theo CNN, nếu ông Trump thật sự muốn giữ lợi thế chính trị và thể hiện thái độ cứng rắn với Nga, ông sẽ phải ký ban hành dự luật này để tránh khó khăn trăm bề.

Trước kỳ bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh cáo bước đi này sẽ “đặt mìn trong nền móng quan hệ hai nước”. Sau khi có kết quả, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng các lệnh trừng phạt “hủy hoại tiến trình khôi phục quan hệ, làm phức tạp thêm tình hình trong tương lai”.

Châu Âu cũng đang lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của các công ty châu Âu hợp tác với Nga về dầu khí, thậm chí còn đe dọa sẽ trả đũa Mỹ. Như vậy, sự hợp tác của Mỹ và châu Âu về Nga sẽ khó khăn hơn.

_____________________________

419 phiếu thuận/ba phiếu chống là tỉ lệ thông qua dự luật trừng phạt Nga tại Hạ viện ngày 25-7. Thượng viện đã thông qua tháng trước với tỉ lệ 98 phiếu thuận/hai phiếu chống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm