Quốc hội tranh luận việc cho Hà Nội áp dụng 'cắt điện, nước' đối với công trình vi phạm

(PLO)- Các đại biểu nhìn nhận biện pháp “cắt điện, nước” đối với công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường… sẽ làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của công dân, không mang tính nhân văn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nội dung cho Hà Nội thẩm quyền “cắt điện, nước” đối với công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường… quy định tại Điều 34 dự thảo luật tiếp tục nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu (ĐB) QH.

Quốc hội tranh luận việc cho Hà Nội áp dụng cắt điện, nước-thach-phuoc-binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

“Cắt điện, nước” là biện pháp không nhân văn

ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phân tích: Biện pháp “cắt điện, nước” trước đây được áp dụng nhưng đến nay trong hệ thống quy định pháp luật của nước ta không coi đây là “một biện pháp cưỡng chế hành chính”, dù nhiều bộ, ngành, cơ quan đề xuất bổ sung biện pháp này.

“Biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính” - ĐB Bình nói. Ông Bình dẫn chứng việc “cắt điện, nước” ở chung cư khi chủ đầu tư vi phạm nhưng nhiều hộ dân trong đó cũng bị ảnh hưởng; rồi việc “cắt điện, nước” ở cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến người lao động trong các cơ sở đó.

ĐB Bình nhấn mạnh “cắt điện, nước” không phải là một biện pháp mang tính nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người. Ông Bình cho hay quy định pháp luật hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu các vi phạm về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình thức xử phạt chính danh, hợp lý, có khả năng trừng trị và ngăn ngừa hữu hiệu các vi phạm hành chính.

“Tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà phải áp dụng biện pháp khác vốn dĩ không có tính chính đáng?” - ông Bình nói và nhìn nhận chúng ta đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự.

Cùng ý kiến, ĐB Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đề nghị cân nhắc khi đưa quy định này vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bởi lẽ đây là một trong những nội dung gây tranh cãi, còn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐB Dương phân tích: Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, áp dụng biện pháp này sẽ có tác động tiêu cực không chỉ đối với cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn ảnh hưởng đến cá nhân và các tổ chức khác.

“Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc và thận trọng. Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cung ứng dịch vụ” - ông Dương nhấn mạnh.

p45-to-van-tam-3401-8285.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Hà Nội là đặc thù nên cắt điện, nước” là phù hợp

Về vấn đề “cắt điện, nước”, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lại có quan điểm ngược lại với các ĐBQH nêu ý kiến trước đó. Ông Tám nêu một số lập luận cho thấy vì sao cần cho phép Hà Nội được áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, PCCC…

“Cắt điện, nước” sẽ can thiệp sâu vào quan hệ dân sự, do đó cần đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Thứ nhất, biện pháp này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực chứ không phải tất cả. Thứ hai, chỉ áp dụng biện pháp này khi đã bị lập biên bản hoặc xử phạt rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.

Thứ ba, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, tập trung một lượng rất lớn cư dân, khách du lịch... Yêu cầu đặt ra về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có bảo đảm sức khỏe, tài sản, tính mạng con người là rất cao. Do vậy, ông Tám cho rằng biện pháp này nếu áp dụng cho cả nước thì có lẽ chưa phù hợp nhưng đối với đặc thù của Hà Nội thì biện pháp này là phù hợp.

“Dù vậy, khi áp dụng biện pháp này cần chú ý không được làm ảnh hưởng đến các cư dân xung quanh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho họ” - ĐB Tám nói.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận “vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành, vượt luật và tương đối đặc thù”, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu, xây dựng.

Ông Long nhấn mạnh: Đây là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý. Cạnh đó, dự luật cũng đã khu trú các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và cũng khu trú tương đối kỹ lĩnh vực gồm đất đai, xây dựng, PCCC.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của các ĐB. Theo đề nghị của TP Hà Nội, trường hợp QH cho phép, ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện về quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng chặt chẽ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân, tổ chức có liên quan” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Mong Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp đường sắt

Góp ý xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đồng tình với đề xuất có hình thức xây dựng chuyển giao (BT) nhưng không theo cơ chế “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” như trước đây. Theo đó, ông đề xuất hai phương thức khác là thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng đất hoặc tài sản qua đấu giá.

Về hình thức thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công, ĐB Cường cho hay thực chất đây là việc Nhà nước dùng ngân sách để mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã ra đời nhờ hình thức đặt hàng của chính phủ, đơn cử như Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc.

“Tôi rất tâm đắc với đề xuất của bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho phép TP Hà Nội, TP.HCM vay 30 tỉ USD để làm đường sắt đô thị. Với cơ chế này, tôi hy vọng chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp đường sắt trong nước mà không phải đi thuê, mua từng dự án của nước ngoài như hiện nay. Hay các dự án cầu vượt qua sông Hồng sẽ nhanh chóng được hoàn thành chứ không bị chậm trễ như các dự án đầu tư công” - ĐB Cường nói.

Còn về hình thức BT được thanh toán bằng đất hoặc bằng tài sản sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu giá theo thị trường trao đổi ngang giá, theo ĐB Cường, đây sẽ là một cơ chế giống như trong Luật Đất đai hiện nay đang đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm