Ấn Độ bất lực trước làn sóng COVID-19 mới

Ấn Độ những ngày qua trở thành vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai của thế giới khi nước này bất ngờ ghi nhận đợt lây nhiễm mới, kéo theo lượng nạn nhân tử vong cao kỷ lục. Hệ thống y tế của nước này hiện ở trong tình trạng quá tải, nguồn cung ôxy cho các bệnh nhân nặng dần cạn kiệt.
 16,9 
triệu là tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Ấn Độ tính đến chiều 25-4 (giờ VN), theo trang thống kê Worldometers. Trong số này có hơn 192.000 người đã thiệt mạng. Hiện Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. 
Đằng sau đợt dịch mới ở Ấn Độ 
Theo tờ The Guardian, chính phủ Ấn Độ hồi tháng 2 tuyên bố đã đánh bại COVID-19 khi số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế nhận định tình hình trở nên ngày càng tồi tệ sau khi cả người dân lẫn chính quyền Ấn Độ tỏ ra mất cảnh giác, cho phép các cuộc tụ tập quy mô lớn. Quốc gia Nam Á này những tháng gần đây liên tục diễn ra các cuộc tụ tập đông người, gồm hàng triệu người dự lễ hội tôn giáo tắm sông Hằng, biểu tình chính trị và những sự kiện thể thao mở cửa đón khán giả trở lại khiến số ca nhiễm tăng đột biến. 
Trong khi đó, có ý kiến khác cho rằng cũng có thể do biến thể virus SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn đang hoạt động tại các vùng đô thị đông đúc ở Ấn Độ - nơi người dân thu nhập thấp thường sống tập trung với nhau trong các khu ổ chuột, khó giữ khoảng cách an toàn bên cạnh điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Được đặt tên mã là B1617, cho đến nay vẫn còn rất ít thông tin về biến thể này. B1617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái và đến nay đã có hơn 60% tổng số bệnh nhân ở bang Maharashtra nhiễm biến thể này. Dữ liệu ban đầu cho thấy đây là biến thể có hai đột biến kép là E484Q và E484K, giúp virus “qua mặt” dễ dàng hệ thống miễn dịch của cơ thể. 
Đợt triển khai tiêm chủng vaccine của Ấn Độ thời gian qua cũng đã liên tục hoạt động kém hiệu quả, khiến phần lớn dân số nước này vẫn bị phơi nhiễm. Hãng dược Pfizer (Mỹ) hồi tháng 3 đã rút lại yêu cầu phê duyệt khẩn cấp vaccine COVID-19 tại nước này sau khi New Delhi muốn kéo dài thời gian thử nghiệm vaccine trong nước, trong khi vaccine Covaxin do Ấn Độ tự sản xuất được phê duyệt khẩn cấp dù vẫn chưa trải qua các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Bên cạnh đó, dù được khởi động từ tháng 1 năm nay nhưng chương trình tiêm chủng vaccine suốt ba tháng đầu chỉ tập trung cho những đối tượng bị xem là dễ tổn thương nhất như nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền, không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. 
Phải mãi đến hai tuần trước, New Delhi mới triển khai các chương trình tiêm chủng cho tất cả người lớn từ tháng 5 tới, trong khi các loại vaccine được quốc tế chấp thuận sẽ không còn phải chờ tiến hành các thử nghiệm trong nước được phê duyệt khẩn cấp. Đây là động thái mà nhiều chuyên gia y tế và một số bang tại Ấn Độ đã kêu gọi từ lâu nhưng có lẽ giờ là quá muộn màng.

Do thiếu hụt giường bệnh, hai bệnh nhân COVID-19 phải nằm chung giường tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 23-4. Ảnh: REUTERS

Cần tái thiết lập phong tỏa toàn quốc
Để đối phó vấn đề cấp bách trước mắt là thiếu hụt ôxy tại các bệnh viện và cơ sở y tế, chính quyền Ấn Độ đã khẩn cấp triển khai máy bay quân sự và tàu hỏa để đưa nguồn ôxy từ những nơi tình hình dịch ít nghiêm trọng hơn sang những nơi bị nặng hơn. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 20-4, Thủ tướng Narendra Modi cho biết chính phủ đang hết sức nỗ lực để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho các bệnh nhân, theo hãng tin Reuters.
Dù vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ - ông J. A. Jayalal, nước này cần thực hiện một biện pháp mạnh mẽ và sâu rộng, có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai và tránh cho hệ thống y tế bị sụp đổ hoàn toàn.
Ông Jayalal cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đang “ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm” và nếu các ca bệnh tiếp tục tăng nhanh trong hai tuần tới, hậu quả có thể sẽ rất “thảm khốc”. Vài bang tại Ấn Độ hiện đã tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi một số bang khác đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần. “Tuy nhiên, những nỗ lực mang tính địa phương như vậy về lâu dài không đủ sức đẩy lùi đại dịch. Chính phủ nên tái áp đặt lệnh phong tỏa mới, ít nhất là trong hai tuần” - ông Jayalal nhận định. 
Còn nhớ hồi năm ngoái, khi dịch mới bùng phát, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Biện pháp phong tỏa đã ngăn chặn tương đối thành công sự lây lan của virus nhưng lại tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, khiến hàng triệu người thất nghiệp. Do đó, không quá khó hiểu nếu New Delhi do dự áp dụng lại biện pháp này khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại.•

Nhiều nước đối mặt với đợt tái bùng phát COVID-19

Ngoài Ấn Độ, hàng loạt quốc gia châu Á khác thời gian gần đây cũng phải đối mặt đợt tái bùng phát COVID-19 nghiêm trọng. 

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến chiều 25-4 (giờ VN), Campuchia trong 24 giờ qua tăng thêm khoảng 510 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 9.300 người. Số người tử vong hiện dừng ở 71, tăng 10 trường hợp mới. Tờ The Khmer Times cho rằng phần lớn các ca nhiễm mới là do lây từ bốn công dân TQ dương tính trốn khỏi khách sạn ở thủ đô Phnom Penh rồi đến nhiều nơi ở Campuchia hồi cuối tháng 2.

Trong khi đó, Thái Lan trong 24 giờ qua ghi nhận tới gần 2.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 53.022 người. Số người tử vong hiện dừng ở 129, tăng tám nạn nhân. Theo tờ The Bangkok Post, chính phủ nước này đã ban hành lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng, vui chơi đông người từ ngày 26-4 đến hết 9-5. Các bệnh viện dã chiến cũng đang được khẩn trương xây dựng thêm để giảm tải cho hệ thống y tế. 

Tại Lào, tổng số ca nhiễm ở nước này hiện vào khoảng gần 250 ca, tăng 88 người trong 24 giờ qua nhưng chưa ghi nhận ca tử vong nào. Như các nước trong khu vực, Lào cũng đang đối diện với tình trạng quá tải bệnh viện, cơ sở y tế và đang chuẩn bị triển khai thêm bệnh viện dã chiến, theo tờ The Star. Ít nhất sáu địa phương cũng đã bị phong tỏa hoàn toàn nhằm ngăn cản đà lây lan của đại dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm