Bắc Kinh sẽ trừng phạt nếu ông Moon nể ông Trump qua Mỹ dự G7?

Hàn Quốc từng đã có một bài học đau thương năm 2016 về việc Trung Quốc có thể trừng phạt kinh tế với một nước không làm theo ý mình thế nào. Liệu Tổng thống Moon Jae-in có phải nhận thêm bài học thứ hai?

G7 mở rộng thành “G11”

Hàn Quốc là một trong bốn nước được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời sang thủ đô Washington DC tham dự cuộc họp G7 mở rộng cuối năm nay (cùng với Ấn Độ, Úc, Nga). Sự kiện này được xem như nỗ lực của phía Mỹ nhằm xây dựng một liên minh rộng lớn hơn chống lại Trung Quốc – nước không được mời, theo báo South China Morning Post.

“Với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, lời mời của Tổng thống Trump với Hàn Quốc là một sự nhắc nhở rằng Seoul là một thành viên quan trọng trong trật tự quốc tế do Mỹ làm trung tâm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ-Trung cạnh tranh về ảnh hưởng toàn cầu” – theo Chủ tịch chính sách bán đảo Triều Tiên Ji-Young Lee tại tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một lần đến thăm Nhà Trắng. Ảnh: BLOOMBERG

Hàn Quốc có liên minh quân sự với Mỹ. Song đối tác kinh tế lớn nhất của nước này lại là Trung Quốc, với tổng giá trị thương mại lên tới 244,3 tỉ USD trong năm 2019. Tuy nhiên thách thức của ông Moon với Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về hạt nhân và liên quan đến CNDCND Triều Tiên.

“Trong ba nước nhận lời mời của ông Trump đến Mỹ dự G7 mở rộng, Hàn Quốc có lẽ là nước ở vị trí không thoải mái nhất” – theo ông Qi Huaigao, Phó Chủ nhiệm khoa tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc đại học Phúc Đán ở Thượng Hải.

Theo ông Qi Huaigao, sự ủng hộ của Trung Quốc rất cần thiết với chính sách hòa giải của ông Moon với Triều Tiên. Điều này có nghĩa Hàn Quốc vẫn có thể tham dự hội nghị G7 mở rộng nhưng “không thể có hứa hẹn gì với Mỹ mà ảnh hưởng đến an ninh bán đảo Triều Tiên, như lắp đặt các tên lửa tầm trung”, theo ông.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chủ yếu diễn ra ở biên giới đường bộ dài 1.400 km giữa hai nước. Trung Quốc là nước duy nhất có hiệp ước ràng buộc hợp pháp hỗ trợ và hợp tác qua lại với Triều Tiên. Trung Quốc cũng là nước có ảnh hưởng lớn với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đến thời điểm này chưa trực tiếp nói về chuyện Tổng thống Moon nhận lời mời của Tổng thống Trump tham gia G7 mở rộng. Tuy nhiên Trung Quốc có nói Mỹ nỗ lực tranh thủ quan hệ với các đối tác của Trung Quốc trong khu vực, và điều này không hề phục vụ quyền lợi các nước liên quan.

Theo lời ông Qi, chuyện các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại về bước đi của ông Trump là bình thường: “Trung Quốc sẽ nhìn vấn đề qua lăng kính cạnh tranh Mỹ-Trung: Hàn Quốc và Úc là các đồng minh của Mỹ vì thế đây là vấn đề với Bắc Kinh”.

Nỗi đau THAAD

Lần gần nhất Hàn Quốc bị Trung Quốc trừng phạt là vào năm 2016, khi Tổng thống Park Geun-hye cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Quan hệ Hàn-Trung xấu đi rất nhanh sau quyết định này của phía Hàn Quốc.

Dù Hàn Quốc nói rằng lắp đặt hệ thống THAAD là để đối phó đe dọa từ Triều Tiên, không ảnh hưởng gì đến an ninh của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn lo Mỹ có thể sử dụng năng lực radar của hệ thống THAAD để do thám mình.

Trung Quốc đã trừng phạt Hàn Quốc nặng nề về kinh tế. Tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa hàng loạt siêu thị và cửa hàng, và sau đó phải rút toàn bộ khỏi Trung Quốc.

Lượng du khách Trung Quốc – chiếm thị phần lớn nhất trong lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc – giảm tới 60%. Lĩnh vực giải trí Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng tại thị trường Trung Quốc. Một làn sóng chống Hàn lan nhanh trong truyền thông Trung Quốc. Tình hình căng thẳng này kéo dài tới hơn một năm.

Hàn Quốc cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD trên đất mình năm 2016. Ảnh: AP

Sau khi được bầu năm 2017, Tổng thống Moon bắt đầu nỗ lực tái thiết lại quan hệ với Trung Quốc. Ông Moon mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Seoul. Truyền thông nói chuyến thăm của ông Tập dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2020, nhưng vướng đại dịch COVID-19 nên bị hoãn lại.

Chuyến thăm của ông Tập vẫn là một ưu tiên của ông Moon. Nhưng theo chuyên gia Lee tại tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation, lời mời của ông Trump đã làm vấn đề phức tạp thêm. Các sai lầm của Hàn Quốc tại hội nghị G7 mở rộng có thể nhanh chóng làm quan hệ của nước này với Trung Quốc xấu lại.

“Trung Quốc có thể sẽ hủy chuyến thăm của ông Tập đến Seoul” – bà Lee cảnh báo.

Hàn Quốc nên lo lắng đến đâu?

Tiến sĩ Darren Lim – nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại đại học quốc gia Úc cho rằng không thể làm lơ việc Trung Quốc có các hành động ép buộc về kinh tế gần đây với Hàn Quốc.

Theo ông Lim, “mâu thuẫn THAAD là một kiểu mẫu. Trung Quốc có thể áp đặt trừng phạt kinh tế ở mức thiệt hại tối thiểu để đạt được một điểm lợi thế chính trị”. Ông Lim cho rằng biện pháp “phong tỏa ngoại giao” có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng để kiềm chế Hàn Quốc tham gia hội nghị G7 mở rộng tại Mỹ.

Tiến sĩ Lim từng có bài viết phân tích về mâu thuẫn THAAD. Ông cho rằng sự trả đũa ở cùng mức độ như vụ THAAD sẽ chỉ xảy ra một khi quyền lợi quốc gia Trung Quốc bị ảnh hưởng từ hội nghị G7 mở rộng (thành “G11”).

“Nếu ‘G11’ diễn ra và có các quyết định bất lợi với quyền lợi của Trung Quốc, như về Huawei và 5G, tôi nghĩ rằng khi đó sẽ có hành động trực tiếp hơn (từ phía Trung Quốc)” – theo ông Lim.

Tuy nhiên theo chuyên gia Lee, đại dịch COVID-19 có thể sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược của Bắc Kinh. Bà cho rằng “sự phản ứng mạnh từ quốc tế mà Trung Quốc hứng chịu quanh vụ COVID-19 có thể khiến các nhà hoạch định chính sách nước này ưu tiên xây dựng quan hệ thân thiện hơn với các nước khác”, thay vì áp dụng sự trả đũa như hồi sự việc THAAD.

Ông Qi Huaigao - Phó Chủ nhiệm khoa tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc đại học Phúc Đán cũng tin rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng mạnh tay với Hàn Quốc.

Hàn Quốc đang được quốc tế đánh giá cao vì khả năng xử lý dịch COVID-19. Tháng 5 vừa rồi Hàn Quốc và Trung Quốc đã mở một kênh làm việc chung nhằm nới lỏng hạn chế đi lại với các doanh nhân nhằm giúp cho nền kinh tế cả hai bên.

Ông Qi nói ông tin các biện pháp này “rất có giá trị” với quan hệ hai nước: “Trung Quốc biết ai là địch thủ thực sự. Trung Quốc không thể để quan hệ song phương với Hàn Quốc bị hủy hoại, và về phía Hàn Quốc cũng thế”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) sang thăm Bắc Kinh ngày 23-12-2019. Ảnh: AP

Ông Moon đối mặt thách thức phải cân bằng các yêu cầu cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên ông Qi cho rằng các chính sách của chính phủ ông Moon tương đồng nhiều hơn với Trung Quốc so với các chính sách của chính phủ tiền nhiệm ông Moon.

“Những người cấp tiến ở Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Triều Tiên, điều này tương đồng với trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc với Triều Tiên” – theo ông Qi.

Ông Qi cũng cho rằng có rất nhiều kênh ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi hội nghị “G11” diễn ra tại Mỹ: “Hàn Quốc có thể liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chuyện tại sao họ tham gia và họ có kế hoạch làm gì”.

Ông Qi cũng không nghĩ Hàn Quốc sẽ ủng hộ bất kỳ tuyên bố chung nào từ hội nghị “G11” có nội dung chống lại Trung Quốc.

Tiến sĩ Lim tại đại học quốc gia Úc thì nói Trung Quốc có thể không cần phải quá lo về hội nghị G7  - dự kiến sẽ được mở rộng ra thành “G11”, vì vị thế của ông Trump hiện tại đã bị suy yếu vì chính sách “nước Mỹ đầu tiên” của ông.

Hội nghị G7 mở rộng khả năng lớn sẽ diễn ra trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Theo Tiến sĩ Lim, không thể không nối kết chuyện hội nghị G7 mở rộng sẽ diễn ra vào tháng 9 với việc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11, khi mọi thứ ông Trump làm đều được nhìn thông qua lăng kính này (bầu cử).

Cũng theo ông, các lãnh đạo được mời cần tham dự hội nghị vì có thể ông Trump sẽ tái đắc cử, nhưng khó có khả năng sẽ có các bước đi mạnh mẽ hay gây tranh cãi nào từ hội nghị này. Lý do theo ông, G7 và toàn bộ thế giới sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác nếu người chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ là ông Joe Biden.

Hiện ngoài Hàn Quốc còn hai nước khác đã cũng nhận lời mời của ông Trump, là Ấn Độ và Úc. Hai nước này cũng làm ăn rất nhiều với Trung Quốc.

Cũng theo ông Qi Huaigao - Phó Chủ nhiệm khoa tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc đại học Phúc Đán, có các dấu hiệu cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi các nguyên tắc của G7 để huy động càng nhiều ảnh hưởng chính trị càng tốt chống lại Trung Quốc. Mà chuyện mời Ấn Độ là một ví dụ.

“Ông Trump biết Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp biên giới” – ông Qi nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm