“Thị trường là một pháo đài và là môi trường thuận lợi cho các nhân tố tư bản chủ nghĩa”, đây là ý chính trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên tiền nhiệm Kim Jong-il trước các nhà quản lý hàng đầu của các cơ quan kinh tế trong Đảng Lao động Triều Tiên và trước chính phủ Triều Tiên vào ngày 18-6-2008.
Theo nhật báo Hankyoreh (Hàn Quốc), tuyên bố ngày 18-6 của ông Kim Jong-il đặt một cái thắng chặn lại quá trình thị trường hóa ở Triều Tiên đang tăng tốc nhờ các biện pháp quản lý kinh tế được cải thiện và áp dụng từ ngày 1-7-2002, và nhờ sự công nhận chính thức với thị trường chung vào năm 2003.
Ông Kim Jong-un đã hành động rất nhanh
“Chúng ta sẽ thực hiện các chương trình nghiên cứu nhằm cải thiện phương pháp quản lý kinh tế trong đường lối của chính chúng ta”, đây là phát biểu của con trai ông Kim Jong-il, ông Kim Jong-un trước các quan chức cấp cao trong Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 28-12-2011, không lâu sau lễ tang của cha mình.
Có thể thấy từ khóa mà ông Kim Jong-un dùng đến trong bài phát biểu sau lễ tang cha mình là “kinh tế”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đến quan sát công trình xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh North Hamgyong (Triều Tiên). Ảnh: KCNA
“Khi có ai đó đề xuất chúng ta nên thử làm điều gì đó, sẽ có người khác gây cản trở vì họ có thành kiến với việc sử dụng các phương pháp quản lý kinh tế tư bản… Vì sự cản trở này mà không có kế hoạch nào được xây dựng cho các dự án kinh tế của chúng ta…”, ông Kim Jong-un phát biểu.
“Chúng ta phải tạo ra phương pháp quản lý kinh tế của chính mình thông qua tham khảo tất cả các phương pháp quản lý kinh tế được cho là tốt nhất trên thế giới”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh.
Và ông Kim Jong-un sau đó đã chỉ đạo các quan chức học tập kinh nghiệm từ các trường hợp cụ thể ở nước ngoài.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nông trại ở huyện Samjiyon, tỉnh Ryanggang (Triều Tiên). Ảnh: KCNA
“Nếu chúng ta tạo ra và áp dụng phương pháp quản lý kinh tế riêng của chính mình, chúng ta thậm chí sẽ không phải dùng tới từ “cải cách” như các nước khác dùng”, theo lời ông Kim Jong-un.
Có thể thấy ngay sau khi lên nắm quyền ông Kim Jong-un đã hành động rất nhanh. Không chỉ nhanh chóng bác bỏ chủ trương chỉ đạo kinh tế cho rằng “thị trường là môi trường thuận lợi của chủ nghĩa tư bản”, ông Kim Jong-un còn đề nghị các quan chức tham khảo, học hỏi các mô hình, chính sách tích cực, hiệu quả từ thế giới bên ngoài.
Thủ tướng Triều Tiên Park Pong-ju (giữa) thăm Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Triều Tiên ngày 25-4-2018. Ảnh: KCNA
“Chúng ta cần thiết lập toàn diện phương pháp quản lý kinh tế của riêng chúng ta. Chúng ta cần ngay lập tức áp dụng hệ thống quản lý cho các doanh nghiệp chủ nghĩa xã hội”.
Đây là một đoạn trong báo cáo kinh doanh toàn diện mà ông Kim Jong-un phát biểu tại kỳ Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên ngày 6 và 7-5-2016.
Trong vòng bốn năm và bốn tháng (từ tháng 12-2011 đến tháng 5-2016), phương pháp quản lý kinh tế mà ông Kim Jong-un chỉ đạo các quan chức nghiên cứu được chính thức ban hành như một chính sách có được ưu tiên hành động cao nhất.
Nhiều thay đổi
Đã có rất nhiều thay đổi diễn ra. Đảng Lao động Triều Tiên và chính phủ nước này thành lập nhiều tổ chức nghiên cứu và thực hiện chính sách. Nhiều luật ảnh hưởng đến các công ty, nông trại, thương mại được điều chỉnh. Quan trọng nhất, yếu tố thị trường bắt đầu xâm nhập vào việc dựng kế hoạch. Một trong những ví dụ quan trọng nhất là sự mở rộng “chỉ số nông nghiệp” và “chỉ số công ty”.
Các nông trại đáp ứng được “kế hoạch sản xuất” do các nhà quản lý đề ra được cho phép bán sản phẩm (chỉ số nông nghiệp) ra thị trường. Các công ty đáp ứng hạn ngạch sản xuất mà chính phủ đề ra được phép sản xuất thêm sản phẩm (chỉ số công ty) phù hợp với nhu cầu thị trường và bán nó ra thị trường.
Nhằm khuyến khích nông dân tăng sản xuất, chính phủ xây dựng “hệ thống trách nhiệm đất canh tác” đối với lĩnh vực nông nghiệp, về cơ bản thu nhỏ quy mô các nhóm làm việc xuống quy mô hộ gia đình. Thay vì trả lương bằng tiền Triều Tiên vốn không nhiều giá trị, người lao động được trả bằng sản phẩm và họ có thể bán sản phẩm ra thị trường.
Một nông dân đang bón phân ruộng lúa ở huyện Sariwon, tỉnh North Hwanghae (Triều Tiên) ngày 13-6-2018. Ảnh: YONHAP
Trong thông điệp năm mới, ông Kim Jong-un ghi nhận “nông dân mang lại những khoản lợi nhuận lớn”. Lời phát biểu này là biểu tượng chính trị rõ ràng nhất cho thấy ông ủng hộ các thay đổi trong chính sách kinh tế. Các nhà máy và công ty được trao “các quyền quản lý hiệu quả, và quan trọng là được bãi bỏ giới hạn lương.
Khu du lịch Wonsan-Kalma đang được xây dựng ở Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Phương pháp quản lý kinh tế Triều Tiên không chính thức công nhận kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy, yếu tố thị trường hóa nhờ sự giúp sức của các chính sách đã kích thích sản xuất và tăng thu nhập cho quốc gia – các mục tiêu chính của phương pháp quản lý kinh tế Triều Tiên.
Giáo sư Yang Mun-su tại đại học Nghiên cứu Triều Tiên (ở Seoul, Hàn Quốc) và nhiều chuyên gia về kinh tế Triều Tiên cho rằng “động lực lớn nhất của việc thị trường hóa Triều Tiên giai đoạn hiện tại là chính sách chính phủ”.