Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang chính thức gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.
Sự kiện này nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng thế giới, đặc biệt các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật – những nước có sự quan tâm lớn đến những gì hai ông Trump và Kim có thể thống nhất ở Việt Nam.
Một câu hỏi lớn với các nước này là liệu Mỹ và Triều Tiên có thống nhất được “giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” với những từ ngữ cụ thể hơn chứ không mơ hồ như ở Singapore năm ngoái. Và nếu có, liệu hai nước có thiết lập được một khung hành động để thực hiện được mục tiêu này không.
Giải quyết được các mục tiêu này đồng nghĩa với việc dàn xếp được một điểm nóng hạt nhân gây lo ngại nhất thế giới, đài Fox News (Mỹ) nhận định.
Với Triều Tiên
Nếu quan điểm của Mỹ rõ ràng – lái Triều Tiên càng xa chương trình hạt nhân càng tốt – thì đến lúc này vẫn chưa thực sự rõ Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân mà truyền thông nước này vẫn gọi là “thanh kiếm quý báu” của đất nước đến đâu.
Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ là điều ông Kim đang làm khác với những gì cha và ông mình đã làm. Với những gì đang diễn ra có thể nhìn thấy ông Kim đang cố gắng đưa đất nước ra khỏi đói nghèo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đến quan sát công trình xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh North Hamgyong (Triều Tiên). Ảnh: KCNA
Để làm được điều này ông Kim cần tìm ra cách để thế giới giảm nhẹ trừng phạt, để ông có thể theo đuổi các dự án kinh tế chung với Hàn Quốc. Trong đó có khu công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương từng đem lại cho Triều Tiên khoảng 150 triệu USD tiền mặt mỗi năm.
Triều Tiên cũng nỗ lực rất nhiều để các bên có thể thông qua được tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, vốn đang ngừng chiến nhờ một thỏa thuận đình chiến, không phải một thỏa thuận hòa bình. Tuyên bố này và hiệp ước hòa bình đến sau đó có thể sẽ là lý do để Mỹ giảm hiện diện quân ở Hàn Quốc, cho phép hai miền Triều Tiên theo đuổi giấc mơ thống nhất.
Triều Tiên thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng “giải trừ hạt nhân” phải là con đường hai hướng, nghĩa là nước này sẽ không từ bỏ hạt nhân mà không có sự đáp trả.
Mỹ phải thuyết phục cho được ông Kim tin rằng sự hiện diện của hàng chục ngàn quân Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật cũng như sức mạnh hỏa lực khổng lồ của Mỹ trong khu vực là nhằm bảo vệ đồng minh, chứ không phải đe dọa Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia hạt nhân Triều Tiên cho rằng thậm chí bản thân ông Kim cũng chưa thể chắc chắn có nên từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không, và việc Mỹ phải làm là mang lại sự yên tâm cho vị lãnh đạo này.
Có thể xem thượng đỉnh ở Hà Nội là một sự kiện kiểm tra quyết tâm của ông Kim với việc từ bỏ hạt nhân.
Với Mỹ
Kỳ thượng đỉnh này ông Trump chịu áp lực nhiều hơn kỳ thượng đỉnh ở Singapore năm ngoái. Theo đài Fox News, ông Trump dĩ nhiên muốn có được một tiến trình giải trừ hạt nhân rõ ràng, dù mấy ngày trước ông vẫn nói ông “không vội”.
Tại thượng đỉnh ở Hà Nội, Mỹ khả năng lớn sẽ tìm kiếm một thỏa thuận bắt đầu thực hiện các tuyên bố trước của ông Kim rằng sẵn sàng xóa bỏ các cơ sở làm giàu plutonium và uranium – các nguyên liệu sản xuất bom hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên chiếc Không lực Một sang Việt Nam. Ảnh: AP
Ông Trump muốn ông Kim chính thức đề xuất cho các chuyên gia quốc tế vào thẩm tra các bước phá bỏ một bãi phóng tên lửa và một bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên. Ông Trump cũng sẽ đề cập đến việc nhận thêm di hài lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên, có các bước đi hướng tới hòa bình lâu dài ở bán đảo Triều Tiên.
Cuối cùng, Mỹ muốn kiểm kê số lượng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, các thiết bị và vật liệu vũ khí của nước này, và một tiến trình phá hủy chúng theo cách có thể thẩm tra được. Tuy nhiên rất khó để hy vọng hai bên sẽ thống nhất được điều này ở Việt Nam.
Với Hàn Quốc
Hàn Quốc ưu tiên ổn định quan hệ song phương với Triều Tiên trong quá trình Mỹ và Triều Tiên đối thoại hạt nhân. Hiện Hàn Quốc hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa ông Trump và ông Kim sẽ mang lại cơ hội để hai miền liên Triều có thể tái khởi động các dự án kinh tế mà đã phải ngưng lại vì vướng các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm gần đây với ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói nước này sẵn sàng tái khởi động các dự án kinh tế với Triều Tiên. Ông Moon cũng đề nghị ông Trump cân nhắc điều này như một sự nhượng bộ với các bước giải trừ hạt nhân của Triều Tiên khi ông Trump gặp ông Kim tại Hà Nội.
Anh Heo Jae-young 21 tuổi nói không thể quên cảnh Tổng thống Moon bắt tay Chủ tịch Kim và cùng bước qua đường phân giới quân sự. Ảnh: AFP
Ông Moon từng có ba cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim năm ngoái và cho rằng sự hòa giải liên Triều rất quan trọng với việc giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt khắt khe đã hạn chế các hoạt động chung hai miền, khi Mỹ khuyến khích các đồng minh duy trì áp lực kinh tế với Triều Tiên đến khi nào nước này có bước đi rõ ràng hướng tới giải trừ hạt nhân.
Với Trung Quốc
Bên cạnh lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc còn lo về sự mất ổn định của nước này. Trung Quốc lo một khi kinh tế Triều Tiên mất ổn định có thể sẽ tác động tới an ninh biên giới mình.
Trung Quốc là nguồn hỗ trợ lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, và dĩ nhiên cộng đồng kinh doanh Trung Quốc mong muốn các lệnh trừng phạt với Triều Tiên được dỡ bỏ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong một lần sang thăm Trung Quốc và được Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) đón tiếp. Ảnh: REUTERS
Nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, Trung Quốc giữ liên lạc thường xuyên với ông Kim, từng đón vị lãnh đạo này qua thăm ba lần. Chủ tịch Tập Cận Bình từng gặp không chính thức ông Kim ở TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh – hành động mà nhiều ý kiến ở Mỹ cho rằng đây là sự can thiệp của Trung Quốc trước kỳ thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Kim và ông Trump.
Với Nhật
Nhật, đất nước nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên không chỉ muốn có một thỏa thuận giải trừ hạt nhân mà cả hủy bỏ chương trình tên lửa.
Tại Nhật có lo ngại rằng ông Trump sẽ nhân nhượng ông Kim mà đồng ý với thỏa thuận có lợi cho Triều Tiên, như chỉ phá hủy một phần chương trình tên lửa. Chẳng hạn chỉ phá hủy tên lửa hạt nhân tầm xa bắn được tới Mỹ mà cho phép Triều Tiên để lại các tên lửa tầm ngắn hơn nhưng vẫn dư sức đe dọa Nhật. Nhật cũng không muốn bị bỏ lại phía sau trong tiến trình thương lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) từng hứa sẽ bảo vệ Nhật trong một cuộc gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái). Ảnh: GT
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nhiều lần nói ông hy vọng có thể gặp ông Kim, để đảm bảo các quyền lợi của Nhật không bị bỏ qua. Ông Abe thời gian qua cũng đã rất nỗ lực phát triển quan hệ với ông Trump, một bằng chứng là ông Trump vài ngày trước vừa nói ông Abe đề cử ông cho giải thưởng Nobel Hòa Bình, và ông Abe cũng không phủ nhận.