Thời gian gần đây phía Mỹ đặc biệt Tổng thống Donald Trump có nhiều động thái chỉ trích cung cách xử lý với dịch COVID-19 của Trung Quốc, kể cả nghi ngờ Trung Quốc tạo ra dịch.
Động thái mới nhất, ngày 18-4, Tổng thống Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ phải lãnh hậu quả nếu Mỹ điều tra ra đúng là Trung Quốc “cố ý gây ra” dịch COVID-19.
“Nếu đó là sơ suất, thì là sơ suất. Nhưng nếu họ cố tình gây ra chuyện, chắc chắn sẽ có hậu quả” - ông Trump nói với báo chí tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, dù không nói cụ thể Mỹ sẽ làm những gì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây liên tục có các chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
Ông chỉ nhắm thẳng Trung Quốc ông Trump còn nhắm đến cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng tổ chức này bao che cho Trung Quốc.
Học cách sống trong thù địch
Từ các diễn biến này có thể thấy Trung Quốc đang có một con đường đầy khó khăn phía trước nếu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, báo South China Morning Post dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích. Nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng quan hệ hai nước sẽ còn trở nên đối đầu hơn và Trung Quốc phải học cách sống trong sự thù địch này.
Ông Victor Gao - Phó Chủ tịch Trung tâm Vì Trung Quốc và sự toàn cầu hóa (tổ chức chuyên nghiên cứu chính sách công, có trụ sở ở Bắc Kinh), cho rằng chuyện đoán ông Trump sẽ làm gì tiếp theo “không có ý nghĩa gì”. Theo ông Gao, chẳng có lý lẽ nào biện minh cho việc “ông Trump hay bất cứ chính trị gia nào ở Mỹ” đổ lỗi cho Trung Quốc.
“Định kiến và cố chấp cũng tệ như bản thân virus vậy. Ngày nào đó nó sẽ quay lại ám họ thôi, bằng cách này hay cách khác” - SCMP dẫn lời ông Gao.
Các nhân viên y tế tạm biệt đồng nghiệp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) để về lại tỉnh Cát Lâm, sau khi Vũ Hán kiểm soát được dịch và dỡ bỏ phong tỏa, ngày 8-4. Ảnh: AP
Trong nội bộ Trung Quốc cũng đang xuất hiện nhiều lời kêu gọi nước này phản ứng mạnh hơn với Mỹ.
Ông Hu Xijin - Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo viết trên các nền tảng mạng xã hội Weibo và WeChat của Trung Quốc rằng nước này nên có “các hành động cần thiết” khiến chính phủ ông Trump phải chịu nhiều khó khăn hơn.
Chẳng hạn, theo đề xuất của ông Hu, Trung Quốc nên xuất khẩu hàng thiết bị y tế khẩn cấp trực tiếp sang các chính quyền bang ở Mỹ và từ chối xuất sang Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ. Cách này có thể làm suy yếu vị thế của ông Trump trước các thống đốc Dân chủ như ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York.
Thế đối đầu chiến lược sẽ còn tiếp diễn
Chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có thực hiện như đề xuất của ông Hu không. Nhưng mới nhất, Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Tình hữu nghị với các nước thông báo ngày 17-4 mình đã mở hội nghị qua điện thoại với Viện Khí hậu California - Trung Quốc, một tổ chức môi trường do cựu Thống đốc bang California Jerry Brown thành lập.
Tham gia hội nghị này có: Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, bà Lý Tiểu Lâm - con gái cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, bà Phó Oánh - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, ông Lâm Tùng Thiên - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, Chủ tịch Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Tình hữu nghị với các nước - vị trí trước đó vốn của bà Lý Tiểu Lâm.
Viện Virus học Vũ Hán - nơi bị Mỹ nghi ngờ đã làm rò rỉ virus gây dịch COVID-19 ra cộng đồng. Ảnh: AFP
Chi tiết hội nghị không được công khai. Tuy nhiên, theo SCMP, thông báo hội nghị cho biết hai bên đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác nhằm “cùng nhau xử lý các thách thức toàn cầu như dịch virus Corona và biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, ông Liu Weidong từ Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng hy vọng sẽ có “nỗ lực chung từ Trung Quốc và Mỹ giải quyết các thách thức toàn cầu” đang mờ dần khi Nhà Trắng rõ ràng không cho thấy có hứng thú nào với việc này.
Ông Liu chỉ ra một thực tế là Trung Quốc chỉ có thể trao đổi với các cựu quan chức và các nhân vật không thuộc chính phủ - những người không có khả năng ra và thực hiện chính sách.
Ông Liang Yunxiang - một chuyên gia về quan hệ đối ngoại tại Đại học Bắc Kinh, dự báo thế đối đầu chiến lược giữa hai bên sẽ còn tiếp diễn. Theo ông, “chuyện Trung Quốc và Mỹ có thể tổ chức các cuộc gặp bàn về hợp tác là tốt nhưng các cuộc gặp này khó có thể thay đổi xu hướng ngày càng xấu đi của sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước”.