Bên trong Viện Virus học Vũ Hán - tâm điểm tranh cãi COVID-19

Những ngày này, các cụm từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Viện Virus học Vũ Hán được nhắc đến nhiều và gắn với các tranh cãi về nguồn gốc xuất hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Các nhà khoa học Trung Quốc vẫn thiên về khả năng virus lây từ động vật sang người từ một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhưng sự tồn tại của Viện Virus học Vũ Hán cách khu chợ không xa dường như củng cố thêm các giả thuyết rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của viện này ra khu chợ.

Vậy Viện Virus học Vũ Hán được thành lập lúc nào và hoạt động ra sao?

Ngân hàng virus lớn nhất châu Á

Theo hãng tin AFP, Viện Virus học Vũ Hán được xây dựng trên một khu đồi vắng ở một vùng ngoại ô TP Vũ Hán với chi phí 300 triệu nhân dân tệ (42 triệu USD), hoàn thành năm 2015 nhưng khánh thành đưa vào sử dụng năm 2018. Người tư vấn trong lúc xây dựng công trình này là ông Alain Merieux - nhà sáng lập Công ty công nghệ sinh học Pháp Institut Mérieux, chuyên về nghiên cứu phát triển vaccine.

Viện Virus học Vũ Hán khánh thành năm 2018. Ảnh: AFP

Viện Virus học Vũ Hán có thể coi là nơi tập trung bộ sưu tập của Trung Quốc về các chủng virus, là ngân hàng virus lớn nhất châu Á với hơn 1.500 chủng virus, theo thông tin từ trang web của viện.

Trong Viện Virus học Vũ Hán có phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị tiên tiến và an ninh tối đa đầu tiên của châu Á để quản lý các mầm bệnh cấp độ 4 (P4) - các virus nguy hiểm có rủi ro cao lây truyền từ người sang người, như virus Ebola (sốt xuất huyết).

Phòng thí nghiệm P4 rộng 3.000 m2 trong một tòa nhà hình trụ, nằm gần một hồ nước trên một đồi vắng.

Viện Virus học Vũ Hán từng bác bỏ tin đồn

Truyền thông Mỹ, trong đó có báo Washington Post và đài Fox News dẫn nhiều nguồn tin không nêu tên cho rằng có thể virus gây dịch COVID-19 bị rò rỉ do tai nạn từ Viện Virus học Vũ Hán ra ngoài.

Viện Virus học Vũ Hán có phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị tiên tiến và an ninh tối đa đầu tiên của châu Á để quản lý các mầm bệnh cấp độ 4 (P4) - các virus nguy hiểm có rủi ro cao lây truyền từ người sang người. Ảnh: AFP

Washington Post nói có thu thập một số bức điện ngoại giao Mỹ cho thấy các quan chức Mỹ đặc biệt lo ngại về việc thiếu tiêu chuẩn an toàn trong cách các nhà nghiên cứu quản lý các chủng virus Corona giống như các virus SARS ở trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán.

Fox News cho rằng “bệnh nhân số 0” của đại dịch COVID-19 có thể bị lây nhiễm một chủng virus từ dơi - vốn được nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán và rồi sau đó lây lan ra cộng đồng ở Vũ Hán.

Ngày 17-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ nghi ngờ rằng Viện Virus học Vũ Hán có trách nhiệm trong vụ dịch COVID-19.

“Người sáng suốt sẽ hiểu ngay là mục đích (của tin đồn - PV) là nhằm gây hỗn loạn, chuyển hướng chú ý của công chúng và né tránh trách nhiệm của họ” -AFP dẫn lời ông Triệu.

Bản thân ông Triệu cũng từng ủng hộ giả thuyết quân đội Mỹ có thể mang virus gây dịch COVID-19 sang Trung Quốc.

Viện Virus học Vũ Hán là ngân hàng virus lớn nhất châu Á với hơn 1.500 chủng virus được lưu. Ảnh: AFP

Theo AFP, ngày 17-4, Viện Virus học Vũ Hán từ chối bình luận về các diễn biến gần đây. Tuy nhiên, hồi tháng 2, Viện Virus học Vũ Hán đã từng có tuyên bố bác bỏ tin đồn.

Viện Virus học Vũ Hán cho biết vào ngày 30-12-2019, viện có tiếp nhận một số mẫu của một loại virus mà lúc đó chưa xác định được là virus gì. Viện đã xác định được chuỗi gen virus vào ngày 2-1 và trình thông tin về mầm bệnh lên Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11-1.

AFP cho biết trong một lần ghé Viện Virus học Vũ Hán gần đây, nhà báo hãng tin này không nhận thấy có dấu hiệu phòng thí nghiệm này có hoạt động bên trong. Có một biểu ngữ bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán mang dòng chữ: “Kiểm soát và Phòng chống mạnh mẽ, Đừng sợ hãi, Nghe theo các thông báo chính thức, Tin tưởng vào Khoa học, Không lan truyền các tin đồn”.

Các nhà khoa học biết vì về virus gây dịch COVID-19?

Các nhà khoa học cho rằng virus xuất phát từ loài dơi trước khi truyền qua người thông qua một số loài trung gian - có thể là tê tê vốn bị mua bán trái phép ở Trung Quốc để lấy vảy làm thuốc cổ truyền.

Trong nhóm nghiên cứu có bà Shi Zhengli - một trong những chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về các loại virus Corona trên dơi và là phó giám đốc phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Scientific American, chuyên gia Shi nói chuỗi gen virus SARS-CoV-2 không giống với bất kỳ chủng virus Corona từ dơi nào mà phòng thí nghiệm của bà thu thập và nghiên cứu trước đó.

Bản đồ cho thấy Viện Virus học Vũ Hán cách khu chợ bán động vật hoang dã sống - nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên và một sân bay quốc tế không xa. Ảnh: AFP

Trong khi đó, một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 1 cho rằng bệnh nhân COVID-19 đầu tiên không có liên quan gì đến khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, cả 13 trong số 41 ca nhiễm được ghi nhận đầu tiên cũng vậy.

Nhà nghiên cứu về an ninh sinh học Filippa Lentzos tại Đại học Hoàng gia London nói dù không có căn cứ gì ủng hộ giả thuyết virus gây dịch COVID-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nhưng cũng không có “chứng cứ thật sự nào” cho thấy virus xuất phát từ khu chợ ẩm ướt bán động vật hoang dã.

“Với tôi, nguồn gốc đại dịch vẫn là câu hỏi mở” - bà Lentzos nói với AFP.

Giáo sư về dịch bệnh truyền nhiễm David Heymann tại Trường Y học nhiệt đới và dịch tễ London cũng nói hiện không có chứng cứ nào về nguồn gốc đại dịch nhưng nó “liên quan chặt đến một loại virus có ở loài dơi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm