Nghi ngờ từ phía Mỹ về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 vẫn chưa được giải tỏa mà có vẻ ngày càng căng thẳng hơn, khi phía Mỹ tiếp tục có phản ứng với phía Trung Quốc.
Mỹ muốn đưa chuyên gia vào Viện Virus học Vũ Hán
Ngày 17-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cho phép Mỹ tiếp cận Viện Virus học Vũ Hán - nơi đang bị nghi ngờ đã rò rỉ virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ra bên ngoài.
“Chúng tôi vẫn đang đề nghị đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép các chuyên gia vào phòng thí nghiệm virus đó để chúng tôi có thể xác định chính xác virus bắt nguồn từ nơi nào” - ông Pompeo nói với đài Fox News.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông kêu gọi Trung Quốc cho phép Mỹ đưa chuyên gia đến phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán - nơi bị nghi rò rỉ virus gây dịch COVID-19 ra bên ngoài. Ảnh: AFP
Ngày 14-4, báo Washington Post cho biết một số quan chức Mỹ từng đến Viện Virus học Vũ Hán có gửi điện ngoại giao về cho chính phủ Mỹ hồi tháng 1-2018 cảnh báo về các yếu kém trong quản lý và bảo đảm an toàn tại phòng thí nghiệm này. Các quan chức này cũng cảnh báo cơ sở này có nghiên cứu về virus Corona trên dơi và hoạt động này có rủi ro dẫn tới một đại dịch.
Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cho điều tra vai trò của phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trong vụ dịch này. Ông cũng cho biết có bàn về mối liên quan giữa đại dịch COVID-19 với phòng thí nghiệm trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi cả ông Trump và ông Pompeo nghi ngờ về vai trò của Viện Virus học Vũ Hán thì tại cuộc họp báo ngày 17-4 về COVID-19, TS Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên cấp cao đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Mỹ bác bỏ khả năng virus do con người tạo ra.
Viện Virus học Vũ Hán khánh thành năm 2018. Ảnh: AFP
Phần mình, Trung Quốc trước sau vẫn bác bỏ có sự liên hệ giữa virus gây dịch COVID-19 và Viện Virus học Vũ Hán. Ngày 16-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa khẳng định điều này.
“Tổ chức Y tế Thế giới đã nói không có chứng cứ gì chứng minh nó (virus gây dịch COVID-19-PV) được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Và nhiều chuyên gia y tế hàng đầu cũng cho rằng chuyện nói virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm không hề có căn cứ khoa học” - ông Triệu nói.
Cũng theo ông Triệu, “Trung Quốc cho rằng nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học và phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AFP
Theo báo South China Morning Post, nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng các phân tích về quy luật hệ gen của virus Corona đã bác bỏ khả năng virus này do con người tạo ra, hay xuất hiện từ một phòng thí nghiệm làm việc cẩu thả ở Vũ Hán.
Hồi tháng 2, một nghiên cứu của Trung Quốc do Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Nghiên cứu não Trung Quốc cùng thực hiện đã xác định virus Corona gây dịch COVID-19 xuất hiện đầu tiên bên ngoài khu chợ ẩm ướt bán động vật sống.
Cuộc chiến “minh bạch thông tin” vẫn tiếp diễn
Chiều 17-4, họp báo về tình hình COVID-19, ông Trump một lần nữa vẫn nói Trung Quốc có số người chết cao nhất thế giới.
“Chúng tôi không có số người chết nhiều nhất. Nhiều nhất thế giới phải là Trung Quốc. Đó là đất nước rộng lớn” - ông Trump nói.
Trước đó cùng ngày, ông Trump có đề cập trên Twitter chuyện Trung Quốc vừa điều chỉnh số liệu tử vong vì COVID-19 và cho rằng “nó còn cao hơn thế và cao hơn cả Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 17-4 tại Nhà Trắng về tình hình COVID-19. Ảnh: REUTERS
Theo South China Morning Post, điều ông Trump viết trên Twitter không chính xác vì Trung Quốc chỉ thông báo điều chỉnh số tử vong ở Vũ Hán lên thêm khoảng 50%. Số ca nhiễm ở Trung Quốc hiện tại (hơn 82.700 trong đó 4.632 người chết) thấp hơn nhiều so với con số ca nhiễm của Mỹ (hơn 710.000 trong đó 37.158 người chết), theo số liệu từ trang web thống kê Worldometer tính tới sáng 18-4 (theo giờ châu Á).
Một ngày trước đó, ông Pompeo cũng chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch thông tin trong vụ dịch COVID-19. Theo ông Pompeo, hậu quả đại dịch toàn cầu mà thế giới đang phải chịu là từ việc Trung Quốc và cả WHO đã không minh bạch thông tin đúng lúc như trách nhiệm họ phải làm.