Xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine bước sang ngày thứ 10 liên tiếp. Theo ghi nhận của đài CNBC, rạng sáng 20-5, khoảng 80 quả rocket được phóng đi từ Dải Gaza vào các TP lớn của Israel. Hầu hết bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn nên không gây thiệt hại đáng kể nào.
Đáp trả, Israel điều hàng loạt máy bay không kích các địa điểm được cho là nơi đặt vũ khí của Hamas và nhà riêng của một chỉ huy lực lượng này. Ít nhất bốn người Palestine thiệt mạng và một số người khác bị thương trong đợt tấn công của Israel.
Đài CNN dẫn lời của phó giám đốc quản lý chính sách nội dung của Facebook ngày 20-5 cho biết mạng xã hội này vừa thành lập một trung tâm chiến dịch đặc biệt hoạt động 24/7 để xử lý các nội dung đăng trên nền tảng này về xung đột Israel - Hamas. Trước đây, Facebook cũng từng thiết lập các trung tâm chiến dịch tương tự để theo dõi tình hình các sự kiện toàn cầu như bầu cử Mỹ hay đại dịch COVID-19. |
Rộ tin Israel - Hamas chuẩn bị ngừng bắn
Theo CNBC, tần suất giao tranh và độ ác liệt của chiến sự hai bên hầu như đã giảm đi nhiều so với những ngày đầu xung đột. Số dân thường thương vong cũng giảm, không còn tình cảnh hàng chục người thiệt mạng chỉ trong một ngày như trước. Diễn biến này trùng khớp với các thông tin từ truyền thông quốc tế rằng hai bên đang tiến hành những bước chuẩn bị để thống nhất ngừng bắn trong vài ngày tới.
Cụ thể, tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn lời một quan chức tình báo Ai Cập giấu tên cho hay phái đoàn trung gian hòa giải của nước này đã tiếp cận thành công lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas. Phái đoàn Ai Cập đề xuất hai phương án khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện tại là hai bên chấp nhận ngừng bắn không điều kiện hoặc tạm ngừng nổ súng để tạo không gian đàm phán các điều khoản liên quan. Hiện Israel và Hamas trước mắt đồng ý về sự cần thiết của một thỏa thuận ngừng bắn nhưng nội dung chi tiết và cách triển khai ra sao thì vẫn chưa được công khai.
Người dân Palestine tìm kiếm nạn nhân bị vùi trong một tòa nhà trúng bom của không quân Israel ở Dải Gaza (Palestine) ngày 19-5. Ảnh: AP
Một số nhân vật trong hàng ngũ Hamas cũng đã lên tiếng xác nhận về khả năng ngừng bắn với Israel. Phát biểu trên kênh truyền hình al-Mayadeen (Lebanon) ngày 20-5, ông Moussa Abu Marzouk - một thủ lĩnh thuộc cánh chính trị của Hamas cho biết ông hy vọng có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 1-2 ngày tới và kỳ vọng tiến trình đàm phán giữa hai bên sẽ diễn ra tốt đẹp, theo Reuters. Về phía Israel, trên lý thuyết thì nước này đến nay vẫn phủ nhận bất kỳ thông tin nào về việc đang đàm phán ngừng bắn với Hamas. Tuy nhiên, ba quan chức Israel mới đây tiết lộ với tờ The New York Times rằng phía lãnh đạo Israel cũng đang kỳ vọng có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong hai ngày tới.
Dẫn đầu đoàn đàm phán Israel là Cố vấn an ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat, cấp dưới thân cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và có quan hệ tốt với giới chức Mỹ. Trong khi đó, nhân vật dẫn đầu đoàn đàm phán Hamas - chỉ huy cánh vũ trang Marwan Issa lại thân thiết với giới tình báo Ai Cập.
Ba quan chức Israel còn tiết lộ thêm rằng thỏa thuận ngừng bắn nhiều khả năng sẽ được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, Israel sẽ ngừng không kích Dải Gaza cũng như ngừng tìm diệt thủ lĩnh Hamas, còn Hamas sẽ ngừng phóng rocket vào các TP của Israel, ngừng việc đào hầm xuyên biên giới. Giai đoạn tiếp theo là Hamas sẽ thả hai công dân Israel bị lực lượng này bắt giữ và trao trả thi thể của các binh sĩ Israel thiệt mạng. Đổi lại, Israel sẽ không ngăn cản các dòng viện trợ nhân đạo từ quốc tế và hàng hóa trao đổi giữa hai bên.
Không dễ ngừng bắn
Nhìn chung hai bên tham chiến về cơ bản đã đồng ý sẽ ngừng bắn để xuống thang căng thẳng, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng các điều kiện chính trị - xã hội ở Israel và Palestine chưa thực sự chín muồi để có thể tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn thực chất, lâu dài.
Đầu tiên là tình trạng bất ổn và bạo lực tiếp tục bùng phát ở nhiều địa phương tại Israel, nơi có người Do Thái và người Ả Rập sống chung. Kênh France24 dẫn nguồn cảnh sát Israel cho biết cuối tuần qua đã bắt 116 đối tượng có hành vi hành hung người sắc dân đối lập. Nhiều nơi thờ phượng của hai bên ở các TP Lod, Tel Aviv và Jaffa bị đập phá. Nhiều người dân ở đây đánh giá mức độ bạo lực là chưa từng thấy trong lịch sử và giờ họ lo sợ cả chính những người hàng xóm đã sống bên cạnh nhiều năm qua. Tại Palestine, người dân ở đây vẫn tiếp tục cuộc biểu tình bạo lực chống Israel và đụng độ lực lượng an ninh Israel tại nhiều khu vực ở Bờ Tây và vùng phía đông TP Jerusalem khiến hàng chục người bị thương.
Tiếp nữa, thỏa thuận ngừng bắn kỳ vọng nói trên chỉ mới được Ai Cập chính thức ủng hộ và đứng ra làm trung gian đàm phán, trong khi hàng loạt tổ chức quốc tế, các nước lớn khác ở phương Tây và các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập vẫn chưa lên tiếng chính thức ủng hộ. Thiếu đi sự ủng hộ và hiện diện của cộng đồng quốc tế nói chung, mọi nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề giữa Israel và bất kỳ lực lượng nào đang hoạt động trên Dải Gaza cũng đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tiền lệ cho thấy từng có thỏa thuận ngừng bắn rơi vào thất bại, các bên lại xung đột bởi thiếu sự can thiệp từ bên thứ ba có tiếng nói.
Hơn nữa, Ai Cập lâu nay là đồng minh thân cận của Palestine, điều gì đảm bảo nước này sẽ không nhân việc đàm phán để thúc đẩy các điều khoản có lợi cho Palestine? Dù khả năng việc đó xảy ra là rất thấp và Israel cũng nổi tiếng là không nhượng bộ trước bất kỳ vấn đề nào liên quan tới Dải Gaza, một cuộc đàm phán với nhiều bên tham gia vẫn là một giải pháp tốt hơn khi có thể đưa ra được nhiều góc nhìn hơn và tăng khả năng đem lại một giải pháp có lợi cho toàn khu vực, không chỉ cho mỗi Israel, Hamas hay Palestine.•
Ông Netanyahu công khai mục tiêu quân sự của Israel Ngoài yếu tố xã hội - chính trị, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới khả năng tiến tới ngừng bắn Israel - Hamas là vấn đề mục tiêu quân sự của Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 19-5 từng tuyên bố sẽ chỉ ngừng các chiến dịch quân sự chống lại Hamas cho tới khi nào đạt được mục tiêu “khôi phục lại trật tự và an ninh cho người dân Israel”. Dù không giải thích rõ khi nào thì mới có thể xem là hoàn thành mục tiêu, ông Netanyahu khẳng định mỗi ngày không quân Israel đang làm suy giảm đáng kể năng lực tấn công và phá hủy thêm nhiều kho vũ khí, tiêu diệt thêm nhiều thủ lĩnh của Hamas. Do đó, có thể thấy nếu phía Israel vẫn còn cảm thấy các đợt tấn công vừa qua chưa đủ để làm suy yếu Hamas thì rất có thể nước này sẽ chưa ngừng bắn hoặc ít nhất là trì hoãn tiến trình đàm phán để có thêm thời gian không kích Dải Gaza. Nhìn lại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas năm 2014, lực lượng Israel phải mất khoảng một tới hai tuần để phá hủy một lượng lớn hệ thống đường hầm của Hamas ở biên giới, theo Reuters. Do đó, có thể đợt này cũng sẽ tốn một khoảng thời gian tương tự để đạt được kết quả như vậy hoặc lâu hơn. |