Quốc hội Lithuania hôm 18-8 đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Belarus, cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia láng giềng này không thể được cộng đồng quốc tế công nhận.
“Chúng tôi đang gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới ngày hôm nay (18-8)” – hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Linas Linkevicius phát biểu sau cuộc bỏ phiếu 120-0 với hai phiếu trắng. Mười chín trong số 141 thành viên của Seimas (quốc hội đơn viện của Lithuania) đã vắng mặt.
Văn kiện được các nhà lập pháp Lithuania thông qua cũng kêu gọi quốc tế bác bỏ tính hợp pháp của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Thông tin chi tiết về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Lithuania nhằm vào Belarus hiện chưa được công bố.
Ngoại trưởng Lithuania - ông Linas Linkevicius. Ảnh: 1TV.GE
Theo kết quả chính thức của cuộc bầu cử ngày 9-8, ông Lukashenko đã giành được nhiệm kỳ thứ sáu với 80% số phiếu bầu, nhưng hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường trên khắp Belarus để phản đối việc ông tái đắc cử.
Ngoại trưởng Linkevicius nói thêm rằng nhiều câu chuyện gây sốc về việc người biểu tình bị trấn áp mạnh tay đã xuất hiện ở Belarus. Ông cho rằng những hành vi này “phải được điều tra và những người chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt”.
Đối thủ hàng đầu của ông Lukashenko, cựu giáo viên tiếng Anh Sviatlana Tsikhanouskaya chỉ giành được 10% phiếu bầu. Tuy nhiên, bà này cho rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận và yêu cầu kiểm phiếu lại.
Lithuania, nước láng giềng phía bắc của Belarus, đã cho bà Tsikhanouskaya và các con của mình đến lánh nạn. Ngày 17-8, bà này xuất hiện trong một đoạn phim kêu gọi tổ chức bầu cử lại và nhấn mạnh bà sẵn sàng lãnh đạo đất nước.
Lithuania có dân số 2,8 triệu người và thủ đô Vilnius của quốc gia vùng Baltic này nằm cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 107 km.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và đối thủ của ông - giáo viên tiếng Anh Sviatlana Tsikhanouskaya. Ảnh: EURONEWS
Vilnius là một trung tâm dành cho những người Belarus lưu vong. Thành phố này có một trường đại học bị ông Lukashenko ngăn cấm. Một số tổ chức phi chính phủ của Belarus cũng đã chuyển đến Vilnius.
Cũng trong ngày 18-8, Đại sứ Belarus tại Slovakia - ông Igor Leshchenya ngày 18-8 cho biết ông đã nộp đơn từ chức. Ông là quan chức chính phủ cao cấp đầu tiên ủng hộ những người biểu tình chống Tổng thống Lukashenko.
Hiện Tổng thống Lukashenko chưa phê duyệt yêu cầu từ chức của ông Leshchenya.
Hôm 17-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tuyên bố tình hình ở Belarus là “khủng khiếp” và cho biết Washington đang “theo dõi rất sát sao” những diễn biến ở nước này, theo hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày nói rằng London không chấp nhận kết quả “cuộc bầu cử tổng thống gian lận” ở Belarus. Các ngoại trưởng của Ireland và Canada cũng bày tỏ quan điểm tương tự, theo AP.
Dự kiến trong ngày 19-8, một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ được triệu tập để thảo luận về cuộc bầu cử và hành động trấn áp người biểu tình của chính quyền Belarus.