Mỹ đưa đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Biển Đông

Đài NBC News hôm 24-1 dẫn một nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông để thúc đẩy “quyền tự do trên biển”. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông. Ảnh: Chris Ison/AP

Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ nói rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill, hai tàu khu trục USS Russell và USS John Finn đã tiến vào Biển Đông vào hôm 23-1.

Mỹ hành động sau động thái nguy hiểm của Trung Quốc

Quân đội Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động thường kỳ "nhằm đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác và thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang tiến hành "các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay cánh cố định và cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt nước và không quân", tuyên bố cho biết thêm.

“Sau khi đi qua vùng biển này trong suốt sự nghiệp 30 năm của tôi, thật tuyệt vời khi quay lại Biển Đông một lần nữa để tiến hành các hoạt động thông thường, thúc đẩy quyền tự do trên biển và tái cam kết với các đồng minh và đối tác” - Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho biết.

"Hai phần ba trao đổi thương mại của thế giới đi qua khu vực trọng yếu này, vì vậy chúng tôi phải duy trì sự hiện diện của mình và tiếp tục thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc đã mang lại sự phát triển thịnh vượng cho chúng tôi" - ông Verissimo nói thêm.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ và chỉ một ngày sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí chống lại tàu nước ngoài.

“Một mũi tên trúng hai đích”?

Cùng ngày Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông, Đài Loan cũng đã thông báo có 13 máy bay Trung Quốc - gồm tám máy bay ném bom hạt nhân H-6K, bốn tiêm kích J-16 và một máy bay chống ngầm Y-8 - đã bay qua phía tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hòn đảo này thiết lập, theo tờ South China Morning Post.

Một máy bay chống ngầm Y-8 của Trung Quốc. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan

Ngay lập tức, lực lượng phòng không của Đài Loan đã triển khai tên lửa để “giám sát” vụ xâm nhập. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thúc giục Trung Quốc ngừng gây sức ép với Đài Loan.

Tờ Japan Times cho biết liệu không rõ liệu thời gian máy bay Trung Quốc di chuyển gần Đài Loan và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông có liên quan hay không. Tuy nhiên hình ảnh vệ tinh và các trang web theo dõi cho thấy tàu sân bay đã quá cảnh qua kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines trong cùng ngày. 

Liên quan tới việc Trung Quốc điều máy bay xâm nhập ADIZ của Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và thay vào đó tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan”.

Tuyên bố cũng cho biết Mỹ “sẽ tiếp tục hỗ trợ một giải pháp hòa bình đối với các vấn đề xuyên eo biển, phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan. Cam kết của Washington với Đài Bắc là “vững chắc” và góp phần vào duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á”.

Tại một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, ứng viên Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã nói rằng ông ủng hộ việc tăng cường gắn bó với Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm