Mỹ nghi Trung Quốc bí mật thử hạt nhân trong lòng đất

Ngày 15-4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể đã bí mật tiến hành một số vụ nổ thử nghiệm hạt nhân cấp độ thấp dưới lòng đất mặc dù đã tuyên bố tuân thủ hiệp ước quốc tế cấm thực hiện hoạt động này, theo báo South China Morning Post. 

Theo báo báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ đã ghi nhận nhiều hoạt động tại điểm thử hạt nhân Lop Nur của Trung Quốc trong suốt năm 2019. Mỹ lo ngại có thể Trung Quốc đã vi phạm tiêu chuẩn  “zero yield” - thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền.

Xe quân sự chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 đi qua Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS

"Trung Quốc có thể chuẩn bị vận hành khu thử nghiệm Lop Nur suốt cả năm, sử dụng buồng chứa thuốc nổ, mở rộng các hoạt động cải tạo Lop Pur, thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân... làm dấy lên lo ngại về chuyện tuân thủ tiêu chuẩn zero yield của họ" - báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý.

Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử hạt nhân cấp độ thấp dưới lòng đất.

Trong các hoạt động mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là Trung Quốc thiếu minh bạch gồm có việc ngăn chặn các trạm cảm biến truyền dữ liệu đến hệ thống giám sát do Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) vận hành.

Tổ chức CTBTO có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được ký năm 1996.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hiện chưa có bình luận.

Trả lời báo The Wall Street Journal, một phát ngôn viên của CTBTO cho hay họ không phát hiện bất cứ gián đoạn nào về truyền dữ liệu từ năm trạm cảm biến của Trung Quốc kể từ cuối tháng 8-2019 đến nay. Tuy vậy, vẫn có sự gián đoạn bắt đầu vào năm 2018, theo đại diện của CTBTO.

Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm buộc Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán về một hiệp định kiểm soát vũ khí để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) năm 2010. New START là hiệp ước ký giữa Nga và Mỹ và sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021.

New START cấm Mỹ và Nga triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, hạn chế tên lửa phóng từ mặt đất lẫn từ tàu ngầm.

"Tốc độ và cách thức hiện đại hóa kho vũ khí của chính phủ Trung Quốc là đáng lo ngại và gây bất ổn. Vì vậy, Trung Quốc nên được đưa vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu" - một quan chức cấp cao khác của Mỹ nói.

Trung Quốc ước tính sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần từ chối đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thảo luận một hiệp ước kiểm soát vũ khí. Bắc Kinh nói rằng lực lượng hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích phòng thủ và không gây ra mối đe dọa nào.

CTBTO là tổ chức quốc tế được thành lập để đảm bảo các quốc gia tham gia ký kết tuân thủ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) ký năm 1996.

Hiệp ước CTBT 1996 cấm tất cả vụ nổ hạt nhân cho mục đích quân sự lẫn dân sự, trong mọi môi trường, nhưng cho phép các hoạt động đảm bảo sự an toàn của vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, đến nay, Hiệp ước CTBT 1996 vẫn chưa có hiệu lực vì có tám quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Dẫu vậy, Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố tuân thủ các điều khoản đã ký kết.

Ba trong số năm quốc gia hạt nhân gồm Nga, Pháp, Anh đã ký và phê chuẩn CTBT. Tuy nhiên, hiệp ước này vẫn cần thêm 44 nước khác phê chuẩn để trở thành luật quốc tế.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm