Theo đài RT, dù căng thẳng leo thang trong nhiều tuần với ý tưởng rằng quân đội và khí tài của Nga có thể tiến vào Ukraine ngay lập tức, nhưng có vẻ như Moscow sẽ không động binh với Kiev.
Chia sẻ với hãng thông tấn châu Âu Euractive, một quan chức cấp cao NATO cho biết khối này tin rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine. Theo người này, để tấn công một quốc gia rộng lớn với tiềm lực quân sự như Ukraine, Nga cần năng lực quân sự mạnh hơn so với số quân hiện triển khai.
Nguồn tin đề nghị giấu tên cũng nói thêm rằng NATO không bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc can thiệp quân sự vào Ukraine, cũng như không có quyền làm như vậy, vì Ukraine không phải là thành viên của NATO. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là đối tác của NATO, và điều đó có nghĩa là NATO có nghĩa vụ trừng phạt Nga trong trường hợp Moscow động binh với Kiev.
Xe tăng Nga trong một cuộc tập trận ở Vùng Rostov (Nga) hôm 26-1. Ảnh: AP
Đồng thời, quan chức này cho rằng có thể là một ý kiến hay nếu phương Tây có những động thái kiềm chế Ukraine một chút trước những hành động khiêu khích không cần thiết khi có một nhóm người ở Kiev đổ thêm dầu vào lửa.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga điều quân và khí tài dọc biên giới với ý định tấn công Ukraine - những tuyên bố mà Nga luôn bác bỏ. Ngược lại, Moscow coi cơ sở hạ tầng quân sự của phương Tây gần biên giới của mình là một mối đe dọa và muốn có sự đảm bảo pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông, cũng như không nạp thêm Kiev vào khối. NATO đã bác bỏ yêu cầu của Moscow, đề cập đến “chính sách mở cửa” của khối và vẫn cho rằng Kiev có quyền trở thành thành viên.
Ngày 28-1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết văn bản phản hồi của NATO đối với các đề xuất an ninh của Moscow là "đáng xấu hổ". Theo RT, khối này được cho là đã bác bỏ những quan ngại chính mà Nga đã nêu.
Tuy nhiên, nguồn tin của Euractiv lập luận rằng NATO có thể thực hiện các bước khác để xoa dịu tình hình ở Đông Âu, chẳng hạn như việc hạn chế triển khai máy bay chiến đấu và tập trận dọc biên giới vốn đã được hai bên nhất trí.
Quan chức này cũng cho hay vẫn có những giải pháp giúp làm giảm căng thẳng nhanh chóng, và cho biết Moscow ủng hộ một “đường dây nóng chính trị” cho các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Hôm 26-1, ông Stoltenberg đề xuất NATO và Nga nên mở lại các đại sứ quán lần lượt ở Moscow và Brussels, sau lần đóng cửa các cơ quan này trong một động thái một động thái ăn miếng trả miếng hồi tháng 10.
“Chúng ta cũng nên sử dụng đầy đủ các kênh liên lạc từ quân sự đến quân sự hiện có của mình, để thúc đẩy tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro, đồng thời xem xét việc thiết lập một đường dây nóng dân sự để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp” - vị quan chức cho hay.
Tuy nhiên, trong tuần này, một nguồn tin tiết lộ với tờ Izvestia rằng Moscow không có kế hoạch mở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở Brussels do bất đồng với NATO về số lượng nhân viên được ủy quyền làm việc ở đó.