2 bộ trưởng ngoại giao-quốc phòng Hà Lan từ chức vì chuyện di tản ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan là bộ đôi bộ trưởng đầu tiên ở châu Âu từ chức trước áp lực từ những chỉ trích do sự hỗn loạn trong chiến dịch di tản khổng lồ ở Afghanistan của các nước phương Tây, hãng tin AFP cho hay.

Ngày 17-9, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld đã tuyên bố từ chức sau những chỉ trích của các nhà lập pháp về việc hàng chục thông dịch viên từng làm việc cho các quan chức Hà Lan vẫn còn mắc kẹt ở Afghanistan sau khi chiến dịch di tản của phương Tây kết thúc.

Trước đó, Ngoại trường Hà Lan Sigrid Kaag cũng đã từ chức hôm 16-9 vì lý do tương tự. 

Thủ tướng lâm thời Mark Rutte (giữa), bà Sigrid Kaag (phải) và bà Ank Bijleveld (trái) đại diện Hà Lan tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG HÀ LAN

Ban đầu, bà Bijleveld đã bác bỏ những lời kêu gọi từ chức nhưng cuối cùng, đã đảo ngược quyết định. Trong một cuộc họp báo được chuẩn bị vội vàng, bà Bijleveld nói rằng bản thân từ chức vì không muốn cản trở “công việc quan trọng” của các đồng nghiệp.

Thủ tướng Hà Lan (lâm thời) Mark Rutte nói rằng việc bà Bijleveld từ chức là “cực kỳ đáng tiếc”, song ông Rutte tôn trọng quyết định của bà Bijleveld.

Trong nửa cuối tháng 8, Hà Lan đã tham gia cùng Mỹ và các nước phương Tây trong nỗ lực di tản công dân và các “đồng minh” người Afghanistan sau khi chính quyền Kabul sụp đổ và lực lượng Taliban tiếp quản thủ đô. Bà Kaag thừa nhận chính quyền Amsterdam đã có một số “điểm mù” trong quá trình di tản này.

Hà Lan đã đưa hơn 1.500 người, bao gồm công dân Hà Lan và những người Afghanistan từng làm việc cho Hà Lan, khỏi quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, chính quyền Amsterdam cho biết nhiều người Afghanistan được cho là đủ điều kiện di tản, trong đó có 22 thông dịch viên, vẫn còn mắc kẹt.

Biến động mới ở Amsterdam có thể khiến quá trình đàm phán lập chính phủ mới thêm phức tạp. Hồi tháng 1, ông Rutte (khi đó là Thủ tướng) và chính phủ đã từ chức tập thể sau bê bối về phúc lợi trẻ em. Sau đó, ông Rutter được giao nhiệm vụ Thủ tướng lâm thời. Một cuộc bầu cử đã được tổ chức hồi tháng 3 nhưng không thể tìm ra đảng nào đủ khả năng độc lập xây dựng chính phủ mới. Tới nay, quá trình đàm phán giữa các đảng vẫn đang được tiến hành.

AFP lưu ý rằng quyết định từ chức như của bà Kaag và bà Bijleveld là điều khác biệt, không xảy ra với nội các ở các nước phương Tây khác, bất chấp sự chỉ trích về vấn đề Afghanistan xảy ra không chỉ ở Hà Lan.

Một trường hợp hiếm hoi có nét tương đồng là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 15-9 đã bổ nhiệm bà Liz Truss (trước đó là Bộ trưởng Thương mại quốc tế) lên thay ông Dominic Raab ở vị trí Ngoại trưởng. Ông Raab hứng chỉ trích vì đã đi nghỉ dưỡng ở đảo Crete (Hy Lạp) giữa chiến dịch di tản diễn ra, đồng thời giới chức ngoại giao Anh bị cáo buộc phớt lờ hàng ngàn thư cầu cứu từ những người Afghanistan mong muốn được di tản.

Tuy nhiên, ông Raab được bộ nhiệm mới vào các vị trí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tư pháp Anh. Chính quyền ông Johnson lưu ý rằng việc điều chuyển ông Raab là “động thái đã được lên kế hoạch” và các vai trò mới của ông Raab cho thấy niềm tin của Thủ tướng Johnson đối với phụ tá này.

Trong đợt “thay máu” nội các ở Anh lần này, một số ghế bộ trưởng khác cũng đổi chủ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm