Theo hãng thông tấn RT, Ấn Độ đã đưa thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-2 vào quỹ đạo của mặt trăng. Đây là một trong những rào cản cuối cùng của cuộc đổ bộ lịch sử vào khu vực chưa từng được khám phá của mặt trăng.
Do những rủi ro lớn liên quan đến cuộc đổ bộ, việc điều khiển tàu đòi hỏi kỹ năng cao và các tính toán chính xác từ các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO).
Nhóm nghiên cứu đã phải làm giảm tốc độ của tàu vũ trụ xuống vận tốc phù hợp để hoàn thành các công việc phức tạp của phân đoạn nhiệm vụ này. Đi vào quỹ đạo mặt trăng quá nhanh sẽ khiến tàu vũ trụ bị dội ngược lại vào không gian. Nếu tàu tiếp cận quỹ đạo mặt trăng ở tốc độ chậm sẽ dẫn đến một cú đâm xuống mặt trăng vì tàu không chống lại lực hấp dẫn của mặt trăng.
Hệ thống thám hiểm Mặt trăng tiên tiến nhất của Ấn Độ có tên là Chandrayaan-2, tiếng Phạn nghĩa là "du thuyền lên Mặt Trăng" cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại đảo Sriharikota ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ lúc 2 giờ 43 chiều 22-7.
Ảnh: CNN
Tàu Chandrayaan-2 hiện sẽ thực hiện một số thao tác trên quỹ đạo trước khi cố gắng hạ cánh mềm trên bề mặt mặt trăng vào ngày 7-9. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư đáp xuống thành công xuống mặt trăng, sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Sau khi hạ cánh, xe thăm dò mang tên Pragyan sẽ được triển khai và có cuộc khám phá Mặt Trăng trong 14 ngày. Trong chuyến đi này, Pragyan sẽ thu thập các mẫu khoáng chất và hóa chất để phân tích về thành phần bề mặt của Mặt Trăng. Trong vòng một năm sau đó, tàu quỹ đạo sẽ vẽ bản đồ bề mặt của Mặt Trăng và nghiên cứu về bầu khí quyển bao quanh Mặt Trăng.