Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cho đã tiến hành thanh trừng đối với ít nhất năm quan chức Bộ ngoại giao nước này, trong đó có đặc phái viên về Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hồi cuối tháng 2 tại Việt Nam.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và phái đoàn Triều Tiên trong cuộc đàm phán với phía Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: REUTERS
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 31-5 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Kim Hyok-chol, đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ và các quan chức ngoại giao tham gia công tác chuẩn bị cấp sự vụ cho kỳ thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội hồi cuối tháng 2, đã bị xử tử hồi tháng 3.
"Ông Kim Hyok-chol đã bị điều tra và xử tử tại sân bay Mirim cùng bốn quan chức Bộ ngoại giao vào tháng 3 vừa qua", một nguồn tin giấu tên của Triều Tiên tiết lộ với báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 31-5. Người này cho biết thêm ông Kim Hyok-chol và những người bị xử tử chung với ông ta bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ.
Ông Kim Hyok-chol là đối tác đàm phán với đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun trước kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Ông Kim Hyok-chol (phải). Ảnh: AP
Ngoài ra, cũng theo nguồn tin, ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, người được ví như đi tiền trạm cho hai lần thượng đỉnh với Mỹ, cũng bị đưa tới một trại cải tạo và lao động khổ sai tại tỉnh Jagang.
Chosun Ilbo tiếp tục tiết lộ bà Shin Hye-yong, phiên dịch viên của ông Kim Jong-un trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Trump, đã bị tống giam tại một nhà tù chính trị vì phạm phải các sai lầm nghiêm trọng khiến quyền thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên bị suy giảm trong đàm phán.
Về bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un và là trợ lý thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên tại thượng đỉnh ở Hà Nội, tờ Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết họ không nhận được thông tin nào về bà Kim Yo-jong từ sau kỳ thượng đỉnh.
"Chúng tôi ngầm hiểu là ông ấy đã không còn trọng dụng em gái mình nữa", nguồn tin nói với báo Chosun Ilbo.
Mặc dù Triều Tiên chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về thông tin đăng trên tờ Chosun Ilbo, nhưng theo hãng tin Reuters, tờ Rodong Sinmun- cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 30-5 đăng tải bài xã luận nói rằng những kẻ phản bội xứng đáng nhận được sự phán xét nghiêm khắc.
"Tôn kính lãnh đạo tối cao trước mặt (những người khác) nhưng lại mơ về một điều gì khác khi quay lưng đi, là một hành động chống Đảng, chống cách mạng, là sự vứt đi lòng trung thành với lãnh đạo vốn đã trở thành một giá trị đạo đức và những người như vậy sẽ không tránh được sự phán xét nghiêm khắc của cách mạng", tờ Rodong Sinmun viết.
Theo ghi nhận của tờ Chosun Ilbo, đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ hành quyết ông Jang Song-thaek, chú của ông Kim Jong-un, hồi tháng 12-2013, các cụm từ mang tính ám chỉ như "chống Đảng, chống cách mạng" và "phán quyết nghiêm khắc" mới xuất hiện lại trên báo Rodong Sinmun.
Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc từ chối bình luận về bài viết của Chosun Ilbo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu mới sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội (Việt Nam) cuối tháng 2 kết thúc mà không có thỏa thuận chung.
Tổng thống Trump yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước khi được Mỹ xóa bỏ trừng phạt. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đề nghị tháo dỡ bãi thử Yongbyon nhằm được dỡ bỏ một phần trừng phạt. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump cho rằng như vậy là không đủ.
Tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng sau hai vụ phóng tên lửa đầu tháng 5 của Bình Nhưỡng. Đây được coi là thông điệp thể hiện sự thất vọng của Triều Tiên với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ông Kim Jong-un đặt hạn chót là cuối năm nay, Mỹ phải có quyết định linh hoạt hơn. Cụ thể, Washington phải đưa ra những điều khoản của một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được để cứu vớt tiến trình ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.