Bầu cử Thái Lan: Người chiến thắng là...

Sau tám năm (ba năm dưới thời Thủ tướng Yingluck Shinawatra và năm năm dưới quyền chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayut-o-Cha), cuộc bầu cử ngày 24-3 rất được người dân Thái Lan chào đón.

Cuộc bầu cử này cũng được xem là một cuộc trưng cầu dân ý với chính phủ quân sự Thái Lan. Tuy nhiên kết quả bầu cử đã không cho thấy được một quyết định rõ ràng từ cử tri rằng sẽ chọn chính phủ quay trở lại với chính phủ dân sự hay tiếp tục với chính phủ quân sự.

Cuộc bầu cử khả năng lớn cũng sẽ không giải quyết được rất nhiều chia rẽ ở Thái Lan thời gian qua. Hay nói cách khác khả năng lớn Thái Lan tới đây sẽ được điều hành bằng một chính phủ liên minh không nhiều quyền lực và một Quốc hội chia rẽ sâu sắc, theo kênh Channel News Asia (Singapore).

Khó giải quyết được chia rẽ

Người đứng đầu chính phủ quân sự, Tướng quân đội về hưu - Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ chuyển quyền hành cho một chính trị gia được bầu hợp pháp. Tuy nhiên nếu điều này xảy ra, người thay thế ông Prayut có thể sẽ phải đối mặt với một Quốc hội chia rẽ và đảng chính trị của mình không có được tiếng nói áp đảo trong cơ quan lập pháp này.

Đợt bầu cử này có 350/500 ghế Hạ viện được bầu mới, và theo quy định bầu cử, 150 ghế còn lại sẽ được chỉ định dựa vào tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi đảng đạt được.

Phóng viên theo dõi kết quả bầu cử, đêm 24-3 tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: REUTERS

Phóng viên theo dõi kết quả bầu cử, đêm 24-3 tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: REUTERS

Kiểm soát đa số trong 500 ghế ở Hạ viện là điều kiện chủ chốt để điều hành đất nước trong tương lai. Một chính phủ thiểu số, quyền lực yếu sẽ gây mất ổn định môi trường chính trị Thái Lan vốn đã nhạy cảm.

Đảng Pheu Thai thân gia đình các cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra hiện giành được 135 ghế trong Hạ viện. Theo các nhà quan sát, đảng Pheu Thai khả năng sẽ không đủ số phiếu để có thể tự mình thành lập chính phủ, và các đảng khả năng lớn sẽ phải chạy đua liên minh với nhau để giành thế đa số tại Quốc hội.

Theo báo Bangkok Post (Thái Lan), đến lúc này đảng Pheu Thái vẫn chưa liên lạc với các đảng khác nhằm liên minh chính phủ. Theo các nhà phân tích, tiến trình thương lượng thành lập liên minh cầm quyền có thể kéo dài hàng tháng.

Binh sĩ Thái Lan bỏ phiếu ngày 24-3. Ảnh: AFP

Binh sĩ Thái Lan bỏ phiếu ngày 24-3. Ảnh: AFP

Channel News Asia dự đoán đảng Pheu Thai dự kiến sẽ liên minh với đảng tiến bộ Hướng tới Tương lai (FWP- hiện được 80 ghế Hạ viện) do tỉ phú Thanathorn Juangroongruangkit lãnh đạo. Cuộc bầu cử này là lần tham gia đầu tiên của đảng FWP. Mục tiêu hướng tới của đảng FWP là thế hệ trẻ, khoảng 7 triệu cử tri lần đầu đi bỏ phiếu, ở khu vực thành thị.

“Cuộc bầu cử này không phải là cuối cùng. Cuộc bầu cử này không phải là mục tiêu mà là con đường hướng tới một nền dân chủ bền vững. Để có được công lý trong xã hội cần có thời gian” – ông Thanathorn nói trong một cuộc họp báo của đảng FWP.

Ông Prayut khả năng lớn tiếp tục làm thủ tướng

Ngoài đảng FWP, khả năng đảng Pheu Thai cũng sẽ liên minh với đảng Puet Chat (5 ghế Hạ viện). Nếu cuối cùng đảng Pheu Thai và các đảng FWP, Puet Thai – đều là các đảng phản đối chính phủ quân sự không thể tập trung ít nhất 251 ghế trong Hạ viện (quá bán so với tổng cộng 500 ghế) thì đảng Pheu Thai sẽ rất khó thành lập chính phủ.

Lúc đó sẽ tới phiên đảng thân quân đội Palang Pracharat. Đa số trong 250 ghế thượng nghị sĩ ở Thượng viện sẽ được chính phủ quân sự đang cầm quyền chọn. Điều này có lợi cho đảng thân quân đội Palang Pracharath. Có nghĩa các đảng ủng hộ ông Prayut chỉ cần tập trung thêm 126 ghế ở Hạ viện là có thể có được tối thiểu 376 ghế ở lưỡng viện để kiểm soát Quốc hội và bảo đảm ghế Thủ tướng. 126 ghế Hạ viện là con số nằm trong khả năng của đảng Palang Pracharat - hiện đã được 117 ghế Hạ viện.

Chưa rõ liệu đảng Palang Pracharat của ông Prayut nếu kết hợp với các đảng nhỏ hơn có thể vừa thành lập được chính phủ vừa kiểm soát được Quốc hội hay không.

Khả năng ông Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục làm thủ tướng Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST

Khả năng ông Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục làm thủ tướng Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST

Kết quả của các đảng khác cũng rất quan trọng. Đảng trung lập Bhumjaithai - với chủ trương vận động hợp pháp hóa cần sa và các dịch vụ chung – có thể có tính quyết định đến bức tranh quyền lực chung cuộc. Đảng Bhumjaithai sẽ là một mục tiêu tiếp cận tích cực của cả đảng Pheu Thai và đảng Palang Pracharat.

“Chúng tôi chưa xác định quan điểm. Chúng tôi sẽ không đứng về bên nào cho đến khi có kết quả sau cùng” – ông Anuthin Charnweerakul, lãnh đạo đảng Bhumjaithai nói.

Ngày bầu cử 24-3 là ngày thất bại với đảng Dân chủ khi chỉ đạt 34 ghế ở Hạ viện, và không giành được ghế Hạ viện nào tại khu vực bầu cử thủ đô. Vì thất bại này, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khuya 24-3 đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ. Dù có yếu hơn trước như đảng Dân chủ vẫn là một lực lượng quan trọng trong các cuộc thương lượng thành lập chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm