Tính đến trưa 7-3 (giờ Việt Nam), giới chức y tế Iran ghi nhận thêm trường hợp 17 ca tử vong mới, đưa tổng số người chết COVID-19 tại nước này lên 124 người. Iran cũng ghi nhận thêm 1.234 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 4.747 người, theo báo South China Morning Post.
Với số liệu trên, Iran hiện là nước có số người chết vì dịch cao thứ ba thế giới sau Trung Quốc đại lục và Ý. Số ca nhiễm ở nước này cũng cao thứ ba sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Nhân viên y tế khử trùng một xe taxi đậu trên đường phố Tehran ngày 6-3. Ảnh: CNN
Hãng tin AFP cho biết gần 8% số nghị sĩ Iran nhiễm COVID-19 - 23 nghị sĩ nhiễm/290 nghị sĩ Quốc hội Iran.
Iran cũng là nước có số quan chức nhiễm báo động. Có thể kể đến Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar, Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi, Giám đốc Cơ quan Y tế khẩn cấp quốc gia Pirhossein Kolivand. Trường hợp quan chức tử vong vì dịch mới nhất là Cố vấn Ngoại trưởng Iran Hossein Sheikholeslam hôm 5-3.
Hãng tin Reuters dẫn nhận định ông Kianoush Jahanpour - phát ngôn viên Bộ Y tế Iran trong cuộc họp báo ngày 6-3 rằng những ca nhiễm COVID-19 mới nhiều khả năng là những người đã nhiễm bệnh từ hai tuần trước và gần đây mới đi xét nghiệm khi có triệu chứng.
Ông Jahanpour cũng chia sẻ nước này đến nay đã xét nghiệm gần 16.000 người từ khi dịch bắt đầu bùng phát.
Nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh tiếp tục lây lan, đại diện Bộ Y tế Iran khẳng định sẽ dùng vũ lực để hạn chế việc người dân đi lại giữa các tỉnh, song không nêu rõ sẽ thực hiện như thế nào. Trước đó, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei từng yêu cầu quân đội nước này tham gia hỗ trợ các công tác phòng ngừa COVID-19.
Hiện Iran đã quyết định đóng cửa các trường học cho tới đầu tháng 4 để ngăn virus lây lan. Các sự kiện thể thao và tụ tập đông người cũng được lệnh hủy trong khi quan chức nước này bị cấm xuất ngoại.
Tờ South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia nhận định các trừng phạt của Mỹ đang tạo ra thách thức không nhỏ với Tehran trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, sự cô lập kinh tế và chính trị đã khiến nước này phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung thiết bị y tế từ Trung Quốc. Đồng thời, lệnh cấm vận cũng khiến các mặt hàng này đến tay Iran khó khăn hơn khi phải tận dụng các kẽ hở pháp lý và đưa hàng đi "cửa sau" qua các nước trung lập.