Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, được cho là bộ mặt của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Ông Nhậm, Giám đốc điều hành Huawei và cũng là cha của bà Mạnh, nói rằng con gái ông đã có một năm “khổ cực”.
“Con bé nên tự hào vì bị bắt trong tình huống này. Trong cuộc đối đầu giữa hai quốc gia, con bé đã trở thành quân cờ quan trọng” - ông Nhậm, người sáng lập Huawei, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 1-12.
CEO Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: GETTY
Bà Mạnh bị bắt tại Canada theo yêu cầu của giới chức Mỹ hồi tháng 12-2018. Sau một năm, bà Mạnh vẫn bị quản thúc tại Vancouver (Canada) và đang chờ phiên tòa phán xử về việc dẫn độ bà sang Mỹ.
Phiên tòa xét xử việc dẫn độ bà Mạnh sẽ diễn ra vào tháng 1-2020.
Bà Mạnh và Huawei đối mặt nhiều cáo buộc, trong đó có lừa đảo, ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Cả bà Mạnh lẫn Huawei đều phủ nhận cáo buộc.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu, đã trở thành tâm điểm trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Washington cho rằng Huawei đặt ra rủi ro an ninh quốc gia và tham gia các hoạt động kinh doanh đi ngược lại các lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Huawei đã bác những cáo buộc này.
Hồi tháng 5, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen. Mỹ cấm các công ty Mỹ như Google, Intel và Micron làm ăn với Huawei trừ phi họ có giấy phép của chính phủ Mỹ. Một số hãng Mỹ như Microsoft đã nhận được giấy phép hạn chế trong tuần qua.
Trước những khó khăn của Huawei, ông Nhậm thường ví Huawei như một máy bay dính đạn và những nhân viên của họ là những kỹ sư cố gắng lấp đầy những lỗ hổng.
Bà Mạnh Vãn Châu rời khỏi nhà ở Vancouver để tới Tòa án Tối cao British Columbia hồi tháng 9. Ảnh: Huawei
Tại trụ sở của Huawei ở TP Thâm Quyến, các tấm áp phích trắng đen dán trên các bức tường cho thấy một máy bay thời Thế chiến II bị đạn bắn xuyên qua nhưng vẫn bay - một lời nhắc cho nhân viên của công ty về những gì đang bị đe dọa.
Ông Nhậm nói rằng con gái ông cũng đang chịu khổ và từ đó sẽ giúp bà mạnh mẽ hơn.
“Trải nghiệm khó khăn và gian khổ sẽ tốt cho Mạnh Vãn Châu và sự trưởng thành của con bé. Trong bối cảnh lớn là chiến tranh thương mại, con bé chỉ như một con kiến nhỏ bị dồn ép giữa cuộc đối đầu của hai siêu cường” - ông Nhậm nói.
Bà Mạnh chỉ bị cấm rời khỏi nơi cư trú và vẫn có thời gian để vẽ tranh, học tập. Mẹ và chồng bà Mạnh thường xuyên bay sang Canada để thăm bà, theo ông Nhậm.
CEO 75 tuổi này cho hay thử thách này đã giúp đưa ông và con gái trở nên gần gũi hơn. Ông Nhậm chia sẻ cha con ông nói chuyện nhiều hơn trước và thỉnh thoảng ông đã gửi cho bà Mạnh những câu chuyện hài hước mà ông tìm thấy trên mạng.
“Trong quá khứ, Mạnh Vãn Châu cả năm có không gọi cho tôi. Con bé sẽ không hỏi tôi khỏe không hay thậm chí gửi cho tôi một tin nhắn. Nhưng bây giờ, mối quan hệ của chúng tôi đã trở nên gần gũi hơn” - ông Nhậm nói.
“Những biến cố như thế này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết tâm và tính cách của một con người. Tuy nhiên, khi con bé trở lại Huawei, chưa chắc con gái tôi đã được nhận những trọng trách lớn hơn” - ông Nhậm khẳng định.
Là giám đốc tài chính, bà Mạnh có thể xử lý những vấn đề về tài chính nhưng vì không được trang bị tốt những khía cạnh khác của công việc kinh doanh khác do không có nền tảng về công nghệ nên không thể có những gì cần thiết để làm người dẫn đầu, theo ông Mạnh.
“Nếu công ty được lãnh đạo bởi một người không có nhạy bén chiến lược, công ty sẽ dần dẫn đánh mất lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do khi Mạnh Vãn Châu trở lại, con tôi sẽ tiếp tục làm những gì mà nó đã làm” - CEO Huawei nói.
Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt ở TP Vancouver, mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada đã căng thẳng. Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.
Bắc Kinh cáo buộc họ tội gián điệp và phủ nhận bắt họ là có liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh.
Ông Nhậm cho hay ông không biết chi tiết về vụ bắt giữ ông Kovrig và Spavor và không bình luận về tình hình này.